Mặc dù các khoản thu đầu năm học được Sở GD-ĐT
TP.HCM “siết chặt”, nhưng bước vào kỳ họp đầu năm, phụ huynh (PH) nhiều
trường đã “ngộp”…
PHHS Trường THCS Colette (Q3) phát hoảng với các khoản tiền trường đầu năm
Ngất ngư với tiền đầu năm
Một PH học sinh (HS) lớp 3 Trường tiểu học Lạc Long Quân (Q.11) cho
biết: “Chuẩn bị vào năm học, chúng tôi nhận thông báo đóng hơn 900.000đ
tiền bàn ghế và gắn máy lạnh cho trẻ học bán trú ngủ buổi trưa. Đóng rồi
chẳng thấy biên lai đâu”. Cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng trường
lý giải: “Ban đại diện cha mẹ HS thấy buổi trưa trời quá nóng, phải tưới
nước giảm nhiệt nên muốn lắp máy lạnh phục vụ cho trẻ bán trú. Ban giám
hiệu (BGH) nhận thấy có một vài PH không đồng ý, vì vậy, đã yêu cầu ban
đại diện dừng thu tiền, đến khi vào năm học, PH thấy con được trang bị
tốt thì đóng góp tùy ý”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số tiền đóng góp để gắn máy lạnh không
chỉ dừng ở vài trăm nghìn đồng. Một PH có con mới vào lớp 1 (ngoài
tuyến) phải đóng đến hơn ba triệu đồng, thậm chí có người phải đóng đến
năm triệu đồng để cải tạo phòng học, lắp máy lạnh cho phòng học bán trú.
Trả lời vấn đề này, cô Hương nói: Ban đầu lớp 1 chỉ có bốn-năm lớp được
học bán trú. Lớp 1/8 không phải là lớp bán trú nhưng PH bận đi làm,
buôn bán nên có nhu cầu gửi con bán trú. Để giải quyết nhu cầu của PH,
trường phải cải tạo một phòng khác để làm lớp bán trú. Công trình này do
một Mạnh Thường Quân của trường làm nghề xây dựng tính toán và làm
giúp, rồi PH tự vận động nhau, có người đóng ít, có người đóng nhiều.
Trường đã yêu cầu ban đại diện trả tiền lại cho PHHS.
PH một trường mầm non tư thục ở Gò Vấp cũng “choáng” với khoản tiền
quá lớn đầu năm học: tiền ăn bán trú 540.000đ (30.000đ/ngày), tiền ăn
sáng 216.000đ; học phí nuôi dạy 900.000đ; điện và vệ sinh phí 60.000đ; y
tế và bảo hiểm tai nạn 100.000đ/năm; mỗi môn năng khiếu Anh văn, võ
(hoặc thể dục nhịp điệu), vẽ là 70.000đ/môn/tháng; học phí giờ cá nhân
một triệu đồng. Đặc biệt, khoản tiền cơ sở vật chất ba triệu đồng/năm.
Tổng số tiền một PH phải đóng lên đến sáu triệu đồng. PH thừa nhận
chuyện học trường tư là phải chấp nhận mức phí thỏa thuận, nhưng với số
tiền quá lớn, PH đóng không nổi. Muốn cho con nghỉ học để chuyển về
trường công cũng không được vì vậy PH phải tìm mọi cách để đóng tiền đầu
năm cho con.
Ngoài các khoản thu học phí, thu hộ chi hộ, thu theo thỏa thuận
khoảng một triệu đồng, PHHS Trường tiểu học Lê Đình Chinh (Q.11) cũng
phát “ngán” vì phải đóng thêm quỹ cha mẹ HS 350.000đ/năm; mua sách tham
khảo gần 500.000đ… Một PH lớp 3 tính toán, bình quân đầu năm tiền học
cho con ngốn khoảng ba triệu đồng. Ông Bùi Văn Chiến, Hiệu trưởng trường
cho biết: các khoản thu đều thu theo mức quy định do UBND quận duyệt,
nhiều khoản như học phí hai buổi, tiếng Anh tăng cường còn thu thấp hơn
mức tối thiểu của TP.HCM cho phù hợp với địa bàn tương đối khó khăn.
Phụ huynh sợ… đại diện phụ huynh
Sau khi các khoản thu đầu năm được địa phương và Sở GD-ĐT “siết
chặt”, mọi khoản thu “khủng” của các trường ngẫu nhiên đều bắt nguồn từ
“ý tưởng” của ban đại diện cha mẹ HS. Không hiểu vô tình hay hữu ý mà
vài năm trở lại đây, ban đại diện cha mẹ các lớp, trường lại trở thành
người đứng ra lấy ý kiến, vận động PH đóng tiền làm hết công trình này
đến công trình khác. Có khi, công trình đóng mác của hội PH lên đến tiền
tỷ.
Mới đầu năm học, PHHS Trường THCS Colette (Q.3) tá hỏa với các khoản
tiền đầu năm như quỹ cha mẹ HS trường 500.000đ, quỹ lớp 400.000đ… Ban
đại diện trường lại “đẻ” thêm việc sửa chữa xây dựng nhà vệ sinh thông
minh trong năm học này. Công trình này được dự toán ban đầu lên đến hai
tỷ đồng, nếu tất cả PH đồng ý thì khả năng PH phải “trả nợ” trong hai-ba
năm học tới. Theo tính toán của BGH thì HS lớp 6 mới vào có khi phải
đóng 300.000 - 400.000đ/năm; HS các khối lớp còn lại sẽ đóng ít hơn.
Trước đó, Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3) cũng “xã hội hóa” bảy lốc nhà vệ
sinh thông minh lên đến 600 triệu đồng.
Trong cuộc họp PH đầu năm ngày 14/9, ngoài món tiền quỹ 350.000đ/năm
để hỗ trợ hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động Đội của HS…, PH của
Trường tiểu học Lê Đình Chinh còn “đòi” hỗ trợ thêm giúp nhà trường trả
lương cho nhân viên vệ sinh của trường và một vài khoản khác. Cũng may,
BGH trường này không đồng tình. PHHS Trường tiểu học T.T. (Q.Tân Phú)
cho biết còn phải đóng các khoản tiền gọi là công trình cha mẹ HS như
trồng hai cây bàng, xây hồ cá, làm mái che…
Sau nhiều năm đi họp cho con, nhiều PH cho biết họ rất “sợ” ban đại
diện cha mẹ HS, những người được bầu ra để đại diện cho tiếng nói của
PHHS. “Ban đại diện giống như cánh tay nối dài của BGH, đẻ ra nhiều công
trình để thu tiền. Lớp con tôi năm vừa rồi tiền quỹ lớp lên đến hơn 60
triệu đồng nhưng cũng xài hết. Khi chúng tôi muốn xin cho con ra khỏi
lớp Cambridge, hội trưởng chẳng những không hỗ trợ đưa ý kiến lên BGH mà
còn tỏ thái độ không vui”, PH của một trường tiểu học nổi tiếng ở Q.1
nói.
PH cho con đi học phải đóng tiền là chuyện tất nhiên nhưng các khoản
thu phải hợp lý. Nhà trường, ban đại diện đừng tạo thành thông lệ khiến
PH “hãi hùng” tiền trường đầu năm.
-----------------------------------------------------------------------------------