Có thể nói trong
hơn một tháng vừa qua, clip “Anh không đòi quà” của hai rapper trẻ
Karik và OnlyC đã và đang tạo nên một hiện tượng đáng chú ý vượt ra
ngoài biên giới của âm nhạc. Kể từ khi bản gốc lần đầu xuất hiện trên
YouTube từ đầu tháng 12, đã xuất hiện một làn sóng các bạn trẻ từ khắp
các vùng miền trên cả nước, chủ yếu ở độ tuổi học sinh, sinh viên đua
nhau chế lại thành các phiên bản khác nhau và đưa lên mạng, thu hút hàng
triệu lượt xem và bình luận trên khắp các diễn đàn mạng.
Nói
là hiện tượng vượt ngoài biên giới của âm nhạc là bởi qua những phiên
bản này, trừ một vài clip ban đầu copy y nguyên ý tưởng của “Anh không
đòi quà” bản gốc; càng về sau, các bạn trẻ càng thêm nhiều chi tiết sáng
tạo, thể hiện cái riêng của mình: từ chuyện đồng tính, hôi của, thần
tượng Kim Tan cho đến việc đưa vào những đặc sản của địa phương như
trang phục dân tộc; thậm chí, có những bạn đưa cả một em bé gái vào làm
diễn viên.
Khoan nói đến chuyện
tốt, xấu, hay, dở, đúng, sai của các bạn trẻ khi làm lại những bản
parody cũng như nội dung của những clip nó, không thể phủ nhận đây là
một trong những dịp hiếm hoi chúng ta được chứng kiến một hiện tượng thu
hút được nhiều sự tham gia nhiệt tình của phần đông giới trẻ đến như
vậy. Nói cách khác, hiện tượng “Anh không đòi quà” đã phản ánh khá trung
thực về mối quan tâm, tâm tư, tình cảm, văn hoá, nhận thức của giới trẻ
hiện nay.
Về quan điểm cá
nhân, tôi đón nhận hiện tượng này với một tâm trạng rất “an tâm” bởi qua
đó, tôi biết giới trẻ nước ta hiện nay cũng có những phản ứng tâm lý
bình thường giống như giới trẻ trên thế giới trước một hiện tượng mà họ
cho là thú vị.
Chúng ta hẳn còn nhớ
hơn một năm trước, cả thế giới đã sục sôi như thế nào với điệu nhảy
ngựa và clip Gangnam Style của ca sĩ Psy (Hàn Quốc) cũng như những bản
chế parody của nó tràn lan khắp các nước và bằng rất nhiều thứ tiếng.
Quay ngược dòng lịch
sử, chúng ta cũng có thể thấy những hiện tượng tương tự xảy ra như với
điệu nhảy Macarena vào những năm 1990, điệu nhảy Moonwalk những năm 1980
hay điệu nhảy Chicken những năm 1950.
Giới trẻ vẫn luôn là
thành phần phản ứng nhanh nhất, sáng tạo nhất, và “điên rồ” nhất với
những trào lưu mới; và hiện tượng “Anh không đòi quà” cũng vậy - không
nằm ngoài quy luật này.
Về mặt khoa học,
từ lâu các nhà tâm lý, mà tiêu biểu là Albert Bandura đã nghiên cứu và
khái quát hoá hiện tượng này thành lý thuyết mang tên “nhận thức xã hội”
(Social Cognitive Theory).
Một cách ngắn gọn,
lý thuyết nhận thức xã hội cho rằng con người, ngoài việc tự học, còn
có thể học thông qua việc quan sát bắt chước hành động của người khác,
nhất là những hành động làm họ cảm thấy tích cực đối với họ.
Lý thuyết này đã
giúp chúng ta giải thích rất nhiều hiện tượng trong cuộc sống. Ở phạm vi
hẹp, nó giải thích tại sao trong nhiều gia đình, bố mẹ thường lấy gương
của anh/chị lớn cho em nhỏ noi theo. Ở phạm vi rộng hơn, nó giải thích
tại sao nhiều công ty thuê người nổi tiếng quảng cáo và làm đại diện
marketing cho họ.
Quay trở lại với
hiện tượng “Anh không đòi quà”, cũng như Psy gần như vô danh với thế
giới trước Gangnam Style, Karik và OnlyC, cho đến trước tháng 12 vừa qua
không phải là những ca sỹ quá nổi tiếng trong thị trường âm nhạc Việt
Nam; bởi vậy khó có thể nói bài hát này nổi tiếng là vì tác giả của nó.
Vậy điều gì đã làm
“Anh không đòi quà” hấp dẫn và có sức lan toả lớn đến vậy? Phải chăng
bởi âm thanh vui nhộn? Hay vì lời bài hát đề cập đúng những mối lo của
thanh niên hiện nay về chuyện “Boy giàu”, “Boy nghèo”? Hay vì tất cả
giới trẻ đều có chung thái độ phản đối hành động “đòi quà” của chàng
trai sau khi chia tay người yêu? Hoặc do đơn giản vì phấn khích với việc
cởi đồ của cô gái?
Để tìm một câu trả
lời tin cậy, chính xác và khách quan cho những câu hỏi nói trên, có lẽ
cần một khảo sát quy mô đối với những người đã tham gia cover lại “Anh
không đòi quà” cũng như những người đã hưởng ứng trên mạng. Điều đó vượt
quá khuôn khổ cho phép của bài viết này; tuy vậy, điều tôi quan tâm ở
đây là liệu các nhà giáo dục có thể thấy gì và học được gì từ hiện tượng
này?
Việc thấy gì thì
đã quá rõ. Như đã đề cập ở trên, trào lưu “Anh không đòi quà” chính là
tấm gương phản ánh chân thực thực trạng về mối quan tâm, tâm tư, tình
cảm, văn hoá, nhận thức của đại bộ phận học sinh, sinh viên hiện nay.
Dù nó tốt, hay
xấu, hay hoặc dở, đúng hay sai, thì các nhà giáo dục nên xem đây là một
cơ hội vàng để nhận diện đúng và trúng về sản phẩm “đào tạo” của mình;
qua đó, có những điều chỉnh về mặt chính sách nhằm đạt được những mục
tiêu dài hạn trong tương lai.
Còn về việc học được
gì? Từ nhiều năm nay chúng ta vẫn nghe học sinh và phụ huynh phàn nàn
về căn bệnh trầm kha của việc học quá tải, học vẹt, chương trình học tập
quá nặng, phương pháp sư phạm của thầy cô thì thiếu sang tạo, chấm điểm
cứng nhắc.
Tôi băn khoăn làm
sao để nhà trường nói riêng và xã hội nói chung có thể khởi xướng được
những chương trình học tập hay phong trào– dù ở dạng chính quy hay phi
chính quy có được sức lan toả mạnh mẽ, thu hút được sự hứng thú và tham
gia nhiệt tình của giới trẻ như Karik và OnlyC đã làm được với “Anh
không đòi quà”?
Để làm được điều này, theo tôi, có 3 điểm đáng chú ý mà ta có thể học được từ “Anh không đòi quà”, cụ thể như sau:
Một là, một cách kết
hợp mới, trên những cái sẵn có cũng là một hình thức của sáng tạo. Thật
vậy, bản “Anh không đòi quà” gốc trong thực tế không có gì mới, ý tưởng
dựa trên một câu chuyện của người khác, kịch bản bắt chước của Trung
Quốc, nhạc cũng có nghi vấn bắt chước của Hàn Quốc. Điều đặc biệt của
“Anh không đòi quà” chính là ở chỗ Karik, OnlyC và nhóm thực hiện đã
khéo sắp xếp, kết hợp để trở thành một clip vừa đủ độ hài hước, châm
biếm, nóng bỏng và sôi động để kích thích khán giả.
Hai là, thay vì dập
khuôn xơ cứng theo những lời giải có sẵn, hãy để không gian cho học
sinh, sinh viên sáng tạo và thể hiện cái tôi của mình. Như đã nói ở
trên, trừ một vài clip ban đầu bắt chước y chang “Anh không đòi quà” bản
gốc, càng về sau, các bản parody mới càng nhiều đổi mới, sáng tạo với
nhiều tình tiết mới, thể hiện quan điểm, mối quan tâm, nhận thức riêng
nhưng vẫn giữ được tinh thần ban đầu. Chắc chắn, hiện tượng “Anh không
đòi quà” sẽ thiếu đi sức hấp dẫn nếu các bạn trẻ vì một lý do nào đó bị
bắt buộc dập khuôn bản gốc ban đầu.
Ba là, hãy sử dụng
triệt để tiện ích của mạng xã hội. Thử tưởng tượng, nếu “Anh không đòi
quà”, cũng như Gangnam style một năm trước mà xuất hiện cách đây 10 năm
khi chưa có facebook, YouTube và các loại hình mạng xã hội khác, chắc
chắn không thể lan truyền nhanh đến vậy. Các nhà giáo dục chắc chắn cũng
không thể bỏ qua yếu tố này trong việc xây dựng các chương trình đào
tạo mới trong tương lai.
-----------------------------------------------