Thứ
trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn vừa cho biết: Bộ đã chính thức phê
duyệt: Đề án "Cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ
thuật biểu diễn”. Dẫu vậy, trước mắt, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD)
còn đang gấp rút soạn thảo thông tư hướng dẫn chi tiết việc cấp thẻ hành
nghề.
Theo tinh thần mới, sự quản lý nhà nước trong lĩnh vực
1. Câu chuyện thẻ hành nghề lúc nóng, lúc nguội, và có lúc tưởng chừng như chả còn nghĩa lý gì nữa. Chiếc thẻ hành nghề đối với giới biểu diễn nghệ thuật được khởi xướng từ năm 1999 - cách đây đúng 15 năm, cũng từng bị "nâng lên đặt xuống”. Nhưng chỉ tồn tại trong vòng 3 năm, cho đến năm 2002, tấm thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật nghiễm nhiên hết tác dụng khi Chính phủ chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các loại giấy phép con. Tuy nhiên, hơn 10 năm sau phút giây "chết yểu”, loại "giấy phép con” của một ngành lao động đặc thù - biểu diễn nghệ thuật lại được tiếp thêm sức sống. Năm 2013, Bộ VHTT&DL đã tổ chức nhiều hội thảo lớn để lấy ý kiến đóng góp cho Đề án "Cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”. Theo đó sự cần thiết và cấp thiết của Đề án xuất phát từ thực trạng thời gian qua xuất hiện hàng loạt vụ lùm xùm trong lĩnh vực biểu diễn như tình trạng "hát nhép”, ăn mặc "phản cảm”, thậm chí dung tục, phát ngôn thiếu chuẩn mực, trái với "thuần phong mỹ tục” của một số nghệ sĩ, nhất là giới ca sĩ, người mẫu đang gây bức xúc trong quần chúng nhân dân và ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu thưởng thức nghệ thuật chân chính của số đông công chúng.
Như vậy, sau nhiều năm bị bãi bỏ, năm 2014 thẻ hành nghề sẽ trở lại đời sống nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, liệu tấm thẻ này có tiếp tục trở thành "giấy phép con”, "vòng kim cô” hay không còn phải chờ thực tế việc cấp thẻ và cung cách quản lý của Cục NTBD và các Sở VHTT&DL địa phương. Theo ông Hồ Anh Tuấn, mức phạt các vi phạm trong nghệ thuật biểu diễn không thể cao hơn mức phạt trong Nghị định 158 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo vừa chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Tuy nhiên, với sự hiện diện của thẻ hành nghề, cơ quan quản lý nhà nước về NTBD có quyền rút thẻ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những nghệ sĩ, người mẫu vi phạm.
2. Mừng vì sự trở lại của tấm thẻ hành nghề sẽ góp phần giảm bớt lùm xùm trong lĩnh vực NTBD. Nhưng với những người trong giới, đôi khi tấm thẻ lại là sự nhiêu khê. Bởi nếu chiểu theo qui định này thì ngay cả những nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà cũng phải trình thẻ hành nghề.
Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục NTBD cho hay: Tinh thần của Đề án là đến năm 2016 sẽ hoàn thành việc cấp thẻ hành nghề cho gần 10.000 nghệ sĩ, người mẫu trong cả nước. Theo Đề án này, khi lên sân khấu, những nhạc sĩ như Trần Tiến, Quang Vinh, Đức Huy… hay nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác vẫn được tính là nghệ sĩ biểu diễn. Với vai trò đó, họ cũng phải chấp hành quy định của pháp luật, ở đây là phải có thẻ hành nghề.
Theo khẳng định của Cục NTBD, Đề án áp dụng đối với các nghệ sĩ Việt Nam đang hoạt động nghệ thuật trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn khi ngày càng nhiều nghệ sĩ người nước ngoài hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp ở Việt Nam một cách liên tục. Vậy quản lý đối tượng này như thế nào, chắc phải hồi sau mới rõ.
3. Tổng kết hoạt động năm 2013 của Bộ VHTT&DL hôm rồi, một thông tin được công bố là xử phạt trong ngành VHTT&DL tăng 86%. Theo đó, năm 2013, số tiền thu từ xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là hơn 2,9 tỷ đồng. Trong đó, xử phạt lĩnh vực văn hóa là hơn 2 tỉ đồng; xử phạt trong lĩnh vực thể thao là 54 triệu đồng, lĩnh vực du lịch là 892 triệu đồng…Theo những con số thống kê ấy, xử phạt trong lĩnh vực văn hóa, thì chủ yếu là vi phạm bản quyền tác giả. Tổng kết có tính chất hiếu hỉ cuối năm, tất nhiên không thể chất vấn nhau gay gắt. Nhưng nếu nói vi phạm trong lĩnh vực văn hóa mà không đề cập tới sự nhiễu loạn của hoạt động NTBD thì rõ ràng là một thiếu sót lớn của ngành. Bởi năm qua, cho dù môi trường biểu diễn đang được các cơ quan nỗ lực làm trong sạch, thì ý thức của những người biểu diễn chưa tiến bộ là bao. Việc quản lý nhà nước về lĩnh vực NTBD vẫn là xử phạt chạy theo "sự đã rồi”, chứ chưa nâng cao ý thức của người làm nghề. Tại sao lại như vậy? Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn, xử phạt vẫn chưa thực sự có tính răn đe, mới chỉ dừng ở việc nhắc nhở…
Theo kế hoạch, lẽ ra thông tư hướng dẫn Đề án đã được ban hành trong tháng 11-2013. Nếu được như vậy, những tấm thẻ hành nghề đầu tiên trong lĩnh vực NTBD của năm 2014 đã được cấp. Lỗi một nhịp, nhưng hi vọng câu chuyện chiếc thẻ hành nghề sẽ là "chậm mà chắc”, chứ không phải là sự dền dứ, khiến người ngoài cuộc cũng cảm thấy sốt ruột thay!
-----------------------------------------------