Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học nói về lý do vì sao phải có một kỳ thi quốc gia chung để xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Sau khi ý kiến của PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, về việc tiến tới gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng
trở thành một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015 được đăng tải, tòa soạn
tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, cựu quan
chức ngành giáo dục.
Nhà giáo Nhân dân, GS-TS
Võ Tòng Xuân cho rằng thí sinh muốn vào đại học, cao đẳng, bên cạnh
bằng tốt nghiệp THPT, phải có thêm “chứng chỉ trình độ sẵn sàng”
Để khẳng định, việc tiến tới kỳ thi
quốc gia chung là một xu hướng tất yếu và có thể thực hiện từ năm 2015,
VTC News xin giới thiệu những chia sẻ của GS.TSKH Lâm Quang Thiệp,
Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học.
Thi quốc gia 2 đến 4 lần/năm
Trước hết, chúng ta phải khẳng định
việc tổ chức 1 kỳ thi quốc gia chung để lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ là
một việc làm rất tốt.
Trong tương lai, chúng ta vẫn nên giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT một cách nhẹ nhàng và do các địa phương tự làm, tự công nhận.
Kỳ thi này chỉ mang tính chất của các
địa phương chứ không thể mang tính chất của một kỳ thi quốc gia bởi vì
trình độ học sinh ở đồng bằng và miền núi là khác nhau nên các địa
phương có thể tự tổ chức kỳ thi của mình.
Nhà nước nên đứng ra tổ chức 1 kỳ thi
quốc gia chung hay gọi là kỳ thi ở cuối bậc phổ thông. Đối với kỳ thi
này, học sinh có thể được dự thi từ 2-4 lần/ năm.
Ở kỳ thi quốc gia chung, những học sinh nào thấy kết quả kỳ thi của mình kém quá thì có thể thi lại ở lần sau để nâng trình độ.
Kỳ thi tổ chức nhiều lần trong năm
không gây căng thẳng cho xã hội, phụ huynh và học sinh. Kỳ thi này ít
nhất nên tổ chức 2 lần/năm hoặc đến 4 lần/ năm.
Theo tôi nên bỏ bớt một trong hai kỳ
thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ như hiện nay vì hai kỳ thi này
được tổ chức quá gần nhau trong vòng 1 tháng nhưng lại không đem lại
hiệu quả và gây bức xúc trong xã hội.
Hai đại học quốc gia đảm nhận
Nhiều người cho rằng, một kỳ thi là
tuyển chọn, một kỳ thi là công nhận tốt nghiệp ở bậc phổ thông nhưng đó
là lý luận theo kiểu hình thức. Thực chất 2 kỳ thi hoàn toàn giống nhau.
Hai kỳ thi này đều dựa trên chương trình phổ thông, cấu trúc đề thi
giống nhau nhưng lại không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục.
Chúng ta có thể dùng 1 kỳ thi để đánh
giá hai việc. Nếu chỉ còn một kỳ thi quốc gia duy nhất, đề thi sẽ có một
số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản, không đánh đố để đánh giá chất
lượng phổ thông. Những câu hỏi nâng cao sẽ đánh giá năng lực thật sự của
học sinh đạt điểm số xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Ở các nước phát triển trên thế giới,
kỳ thi quốc gia sẽ do nhà nước đứng ra tổ chức. Chỉ có Mỹ kỳ thi quốc
gia chung do các đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức.
Nếu Bộ GD-ĐT không đứng ra tổ chức một
kỳ thi quốc gia chung thì nhiệm vụ này Bộ nên giao lại cho một số đơn
vị khác. Các đơn vị này không chỉ đứng ra tổ chức cho riêng mình mà cho
cả các trường khác sử dụng.
Nhận nhiệm vụ này có thể là 2 trường
đại học lớn (đại học quốc gia) đảm nhiệm. Việc giao cho 2 trường đại học
lớn đứng ra tổ chức một kỳ thi quốc gia chung sẽ có sự cạnh tranh vì
vậy chất lượng sẽ được nâng cao.
Bên cạnh đó, 2 trường đứng ra tổ chức
nhưng phía trên còn có Bộ GD-ĐT quản lý. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT với vai trò
quản lý nhà nước có thể sẽ kiểm soát chặt chẽ nếu 2 đơn vị này để xảy ra
sai sót.
Chúng ta cần tiến tới mô hình như một
kỳ thi SAT ở Mỹ để giúp đánh giá học sinh toàn diện năng lực của học
sinh. Nếu trường nào cần phải tuyển sinh những ngành đặc biệt thì có thể
thi vấn đáp, hoặc thi thêm môn chuyên ngành.
Các trường ĐH ở Mỹ dù lớn hay nhỏ đều
dựa vào kết quả của kỳ thi SAT hoặc ACT. Tuy nhiên, đây không phải là
căn cứ duy nhất mà là một thành phần để tham gia xét tuyển.
Vì thế ở Việt Nam cũng cần tổ chức 1
kỳ thi quốc gia để các trường có căn cứ để xét tuyển. Ngoài ra, các
trường đòi hỏi chất lượng cao hơn thì có thể tổ chức thêm một hình thức
thi khác để tuyển sinh được. Lúc đó, các thí sinh đã qua vòng sơ tuyển
còn rất ít nên các trường có thể lựa chọn các phương án tuyển sinh thích
hợp.
Tất cả các môn học gộp vào 5 bài thi
Trong kỳ thi quốc gia chung, tôi cũng đề xuất cần phải tiến hành 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên ( Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa).
Cần phải thấy rằng, 2 môn công cụ quan
trọng nhất là Toán (để phục vụ tính toán), Ngữ văn ( để diễn đạt, hành
văn). Thời đại hội nhập thì ngoại ngữ cần phải có.
Nếu làm đề trắc nghiệm thì tổ chức các
môn Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa) cũng
sẽ được tổ chức một cách rất dễ dàng.
Việt Nam đã quen dùng trắc nghiệm nên
phần lớn các môn thi sẽ được thiết kế để thi trắc nghiệm.Bên cạnh đó,
một số môn thi sẽ có thêm phần viết luận ngắn để đánh giá những phần mà
trắc nghiệm không làm được.
Ví dụ: Đề thi môn Ngữ văn sẽ có 1 câu
tự luận ngắn yêu cầu học sinh viết trong 1 trang về một chủ đề được nêu.
Như vậy, đòi hỏi học sinh phải rèn luyện tư duy khoa học, vận dụng kiến
thức linh hoạt.
Ưu điểm của loại hình thi trắc nghiệm
là chất lượng của kỳ thi sẽ phụ thuộc vào đề thi. Đề thi tốt sẽ phản ánh
đúng chất lượng. Điều này có thể làm được.
Với đề thi tự luận, chất lượng của kỳ
thi sẽ phụ thuộc vào người chấm. Trong hàng triệu bài thi thì không thể
kiếm đủ được người chấm giỏi. Vì vậy, đề tự luận không phản ánh đúng
chất lượng của thí sinh vì mang nhiều yếu tố chủ quan.
Học sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn để vào đại học
Nếu có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng,
chúng ta sẽ có thể làm ra các đề thi tốt và có thể được dùng được trong
các năm tiếp theo, không tốn kém chi phí.
Để làm được đề thi trắc nghiệm tốt,
ngoài việc giáo viên phải giỏi chuyên môn cũng cần được học qua một lớp
tập huấn ra đề trắc nghiệm cho chính xác. Việc ra đề thi trắc nghiệm
cũng có cả một công nghệ. Quá trình tập huấn có thể diễn ra trong khoảng
1 tháng.
Các câu hỏi trắc nghiệm khi được viết ra đều phải có quá trình thử nghiệm để kiểm tra lại tính chính xác, khoa học.
Khi có một kỳ thi quốc gia chung, cơ
quan quản lý ngân hàng đề thi phải hoạt động dưới dạng một đơn vị dịch
vụ, trực thuộc Bộ GD-ĐT nhưng phải hoạt động độc lập. Cơ quan này phụ
trách kỳ thi sẽ quản lý đề thi.
Trước đây, vào năm 2000, tôi có sang
thăm trung tâm tuyển sinh của Nhật. Trung tâm này thuộc Bộ Giáo dục, Văn
hóa, Thể thao, Khoa học & Công nghệ Nhật Bản nhưng là một trung độc
lập. Trung tâm này có 120 nhân viên, trong khi có 30 chuyên gia rất
giỏi về đánh giá.
Việc tiến hành một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015 vẫn có thể làm được nếu Bộ GD-ĐT quyết tâm.
-----------------------------------------------