Đổi mới căn bản,
toàn diện nền giáo dục cần một cuộc cách mạng thực sự, một cú hích lịch
sử thật sự. Những thay đổi vụn vặt, những cuộc cách mạng nửa vời chỉ góp
phần làm “tê liệt” nhanh chóng hơn nền giáo dục vốn đang tồn tại nhiều
bất cập…
Một Thế Giới xin chia sẻ những ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục đầu ngành về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục:
GS Phạm Minh Hạc: Nền giáo dục của ta đang thừa cái không cần và thiếu cái cần
GS. Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng
Bộ GD – ĐT khẳng định: Kiểm tra, thi cử, đánh giá là nguyên tắc bất di
bất dịch của giáo dục mọi thời đại. Vấn đề chỉ là tiến hành kiểm tra như
thế nào, đánh giá như thế nào, tổ chức thi cử ra làm sao và nhằm mục
đích gì…? Đây mới là cái cần phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình
mới.
Kiểm tra phải thường xuyên, đánh giá
phải cẩn thận, thi cử phải nghiêm túc. Từng bước đi của giáo dục đều
phải rất cẩn thận, rất chắc chắn và an toàn không tiềm ẩn rủi ro. Làm
giáo dục cần thực tâm và không thể vội vàng.
Nền giáo dục của ta đang thừa cái
không cần và thiếu cái cần. Thừa lý thuyết thiếu thực hành - ứng dụng,
thừa kiến thức thiếu kỹ năng… Ở tất cả các bậc học, giáo dục đang chú
trọng dạy chữ nhiều hơn dạy người. Trong tương lai, chương trình học và
SGK mới phải sửa được cái vừa thiếu vừa thừa, khắc phục cái quá tải.
Khắc phục tâm lý “hư văn khoa cử”,
quản lý Nhà nước về giáo dục, củng cố năng lực người thầy, thúc đẩy sự
“thực học” của người học… là những vấn đề then chốt cần giải quyết của
nền giáo dục.
GS.TSKH Đào Trọng Thi: Đổi mới SGK phải chuẩn bị các điều kiện cần và đủ
GS.TSKH Đào Trọng Thi
GS.TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy
ban Văn hoá - Giáo dục – Thanh thiếu niên - Nhi đồng của Quốc hội cho
rằng, lộ trình đổi mới SGK phổ thông là một quá trình kéo dài, chặt chẽ
và nghiêm túc.
Để tạo tiền đề tốt cho nó, chúng ta
phải chuẩn bị các điều kiện cần và đủ như: Xây dựng chương trình học
mới; tiến hành xây dựng các chuẩn mực đánh giá chất lượng dạy và học;
tiến hành biện soạn; thử nghiệm; ban hành chính thức và sử dụng đại
trà.
3 yếu tố để đảm bảo đổi mới sách giáo
khoa thành công là: Biên soạn sách, chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cơ sở
vật chất – trang thiết bị. Cả 3 yếu tố này phải được thực hiện đồng
thời, bám sát thực tế, điều kiện cụ thể của nền giáo dục.
Chương trình biên soạn phải phù hợp
với khả năng thực tế của đội ngũ giáo viên, phù hợp năng lực thực tế,
khả năng tiếp thu trung bình của học sinh, thỏa mãn được đặc thù giáo
dục ở các vùng miền trên cả nước.
Phần cứng là phần kiến thức bắt buộc
giành cho 100% học sinh nhưng phần mềm thì cần thực sự linh hoạt và phù
hợp với từng nhóm đối tượng học sinh. Chuẩn bị, đào tạo lại đội ngũ giáo
viên để thực hiện chương trình ấy.
Phải cung cấp cho giáo dục một năng
lượng vật chất phù hợp và lớn hơn những cái hiện có để tạo ra hệ thống
cơ sở vật chất, trang thiết bị tốt nhất.
PGS Văn Như Cương: Mạnh dạn “xóa sổ” những cái đã lỗi thời
PGS Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường
THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhấn mạnh: Đã đến lúc nền giáo dục Việt
Nam cần nhìn thẳng vào bản chất, dám phá hủy và tự bước ra khỏi cái vòng
luẩn quẩn giáo dục nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng, học để đi
thi như hiện nay.
Hệ thống giáo dục của ta đang “đứng
im” trong khi cuộc sống đang vận động và thay đổi từng giây, từng phút.
Nếu cứ kéo dài tình trạng này, nền giáo dục của chúng ta sẽ nhanh chóng
bại liệt ngay lập tức.
“Nền giáo dục ứng thí” chưa trả lời
đúng 3 câu hỏi: Học để làm gì? Học cái gì? Học như thế nào? Kiến thức
trong nhà trường xa rời cuộc sống đến kỳ lạ!
Gia đình và nhà trường đang góp phần
tạo ra nhiều những cậu ấm, cô chiêu đúng nghĩa. Tôi đang thất vọng thay
vì kỳ vọng. Tất cả hình như đang đứng yên không có thay đổi nào rõ nét.
Hơn 2 năm đổi mới nhưng vẫn đâu đóng
đó. Cứ bàn, cứ cãi nhưng chúng ta chưa thông qua được dự án đổi mới căn
bản và toàn diện nền giáo dục. Đó là tồn tại quá buồn! Những thay đổi
hết sức vụn vặt.
Mạnh dạn “phá hủy” hệ thống giáo duc
cũ đã lỗi thời, cần một cuộc cách mạng thực sự chứ không phải là những
thay đổi nửa vời. Tìm câu trả lời cho 3 câu hỏi: Học để làm gì? Học cái
gì? Học như thế nào? Giáo dục Việt Nam cần một cuộc thay đổi rất lớn,
rất mạnh, rất quyết liệt và dám sửa đổi khi sai. Điều cơ bản nhất vẫn là
đi cho đúng hướng.
-----------------------------------------------