'Con thích được học như thế. Mẹ cứ bắt con phải thế này, thế kia. Làm sao lúc nào cũng đáp ứng được hết yêu cầu của mẹ'.
1. Chuyện xin đi học thêm
Mẹ tôi là giáo viên. Từ những năm tôi còn đi học cho đến nay khi tôi đã
hơn 30 tuổi và mẹ đã về hưu, tôi vẫn thấy nhiều phụ huynh đưa con đến
xin học thêm ở nhà mẹ. Nói là xin học thêm vì nhiều người tha thiết quá.
Tha thiết kiểu như mấy cô hàng xóm gần nhà tôi hơn 20 năm trước cứ bảo:
"Bác không dạy cháu thì sau cháu làm đầu trộm đuôi cướp cháu sẽ ăn trộm
nhà bác đầu tiên". Hoặc tha thiết như kiểu khi tôi sinh em bé, mẹ tôi
đến chăm tôi, các bậc phụ huynh còn vào tận đầu giường tôi nài nỉ mẹ:
"Bác không dạy cháu thì cháu gay lắm, coi như đời cháu hỏng bác ạ".
Xin học thêm ở đây là xin học một kèm một, tức là mẹ tôi dạy cho một
cháu. Mẹ tôi không chỉ dạy chuyên môn mà còn đảm nhận luôn việc dạy đạo
đức, hướng dẫn cách tự học vì hầu như các phụ huynh không nói được để
con tự giác học. Phụ huynh hầu hết là người quen, hàng xóm, đồng nghiệp
cơ quan bố, toàn những người quen biết thuộc diện khó từ chối.
Tôi còn nhớ 20 năm trước mẹ tôi cứ như là một cô trông trẻ vì phải ngồi
dậy học cho một anh cá biệt không ai trị được. Mẹ bảo dậy cho có ý thức
là chính thôi chứ anh không ngồi yên được 30 phút, và người thì nồng
nặc mùi thuốc lá, phải nhai kẹo để cai thuốc. 20 năm sau bọn trẻ con đến
học nhà tôi cũng không thấy khá hơn, cộng trừ nhân chia cơ bản không
biết và thấy mẹ tôi toàn phải dậy lại từ ý thức học và tầm quan trọng vì
sao phải học.
Tôi thường khuyên cháu nên tự học theo nhiều cách khác nhau. Ảnh minh họa: InImages.
|
Trước kỳ thi đại học, người ta lại đưa con đến nhà tôi, ngoài việc xin
"bác kiểm tra kiến thức của cháu" thì hay hỏi một câu "Bác cho lời
khuyên cháu nên thi vào trường nào vì tôi định cho cháu thi vào trường A
do ông chú nó có thể lo được đầu ra".
Tôi thi thoảng cũng bị dí làm giáo viên bất đắc dĩ cho cháu tôi năm nay
học lớp 8. Tôi thường khuyên cháu nên tự học theo cách này cách nọ,
cháu bảo cháu không có thời gian vì còn phải học thêm ở trường của cô
môn này môn kia, không đi học thêm cô không cho điểm cao. Tôi bảo mẹ
cháu không cần chiều lòng tất cả các cô, để cháu tự học những thứ cháu
thích và cần thiết, chứ một tuần đi học thêm quá nhiều ngoài giờ học ở
trường thì lấy đâu ra thời gian mà tự nghiền ngẫm. Mẹ cháu lắc đầu:
"Không được, không được, bây giờ ai chả cần phải lên lớp, ai chả cần
phải vào đại học, làm sao trái lời các cô được. Giải toán không đúng
cách của cô còn bị điểm kém nữa là".
Thế là bọn trẻ con hàng ngày vẫn phải cắp sách đều đi học giờ chính
quy, cắp sách đều đi học thêm ở trường dù bản thân và cha mẹ không thích
nhưng phải làm vừa lòng cô, và thêm việc gửi gắm đến nhà ai đó tin cậy
học một kèm một (mà chưa chắc bọn trẻ con đã thích hay không).
2. Phụ huynh có thật sự hiểu và tôn trọng con
Trở lại câu chuyện của một số phụ huynh mà tôi kể bên trên, cần phải
nói đến trước tiên là thái độ sốt sắng và lo lắng của họ trước tình hình
học tập của con. Cái đích thi đỗ đại học hoặc thi vào cấp 3 luôn là
"cái án" treo lơ lửng trước mặt chúng.
Đa số họ đều phàn nàn rằng chúng lười học, nói không nghe lời. Thậm chí
chị họ tôi không ngớt lời chê trách con trước mặt tôi. Cháu tôi thì tỏ
thái độ phản ứng ngay: "Sao mẹ cứ nói con thế thật là khó chịu. Sao mẹ
không để con được thoải mái như cách dì dạy con. Con thích được học như
thế. Mẹ cứ bắt con phải thế này phải thế kia. Làm sao lúc nào cũng đáp
ứng được hết yêu cầu của mẹ".
Việc học như là một sự ép buộc và đôi khi còn là nỗi ám ảnh
kinh hoàng của con trẻ khi một mình chúng phải chịu bao nhiêu áp lực. Ảnh minh họa: InImages.
|
Đấy là cháu tôi còn phản ứng được. Những đứa trẻ khác khi đến nhà tôi
thì cúi gằm mặt xuống im lặng nghe bố mẹ chúng phàn nàn với mẹ tôi. Có
cô còn tâm sự rằng cháu về nhà là đóng sập cửa bên trong, chẳng biết làm
gì, chẳng biết đang nghĩ gì, nhờ bác hỏi han rồi khuyên bảo dùm. Có chú
khác thì đến nhà tôi khoe với giọng tự hào lắm, rằng cháu nhà tôi chỉ
cần lườm mắt một cái là sợ, chui ngay vào phòng học, nhưng cứ không ở
nhà thì mẹ nó không nói được.
Tất cả chỉ nói lên một điều: bố mẹ không hiểu con, không gần gũi tâm sự
với con, thì làm sao khuyên bảo hoặc truyền cảm hứng cho con đam mê với
công việc học tập. Từ những câu nói gửi gắm xin học cho con, đến việc
chọn trường nào cho con, tôi tự hỏi liệu các phụ huynh có khi nào hỏi ý
kiến và lắng nghe những nguyện vọng của con trẻ. Khi mẹ tôi chia sẻ,
phải hỏi cháu xem cháu thích gì, phải hỏi cháu xem cháu có thích học
không, thì phụ huynh đã nói luôn, trình độ của cháu chỉ đến thế thôi bác
ạ. Các cháu đến nhà tôi với bố mẹ, từ đầu đến cuối ngồi im thin thít
hoặc nói năng chỉ dám lí nhí.
Thế là thành cái vòng luẩn quẩn, con chán nản, không tha thiết với học
hành còn cha mẹ thì sốt sắng hơn cả con. Việc học như là một sự ép buộc
và đôi khi còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của con trẻ khi một mình chúng
phải chịu bao nhiêu là áp lực từ trường học, trung tâm học thêm, cha mẹ
và những địa chỉ một kèm một được cho là đáng tin cậy.
3. Đừng lãng phí thời gian của con trẻ
Tự học, tự nghiên cứu, tự nghiền ngẫm, là một kỹ năng vô cùng quan
trọng trong cuộc sống. Không những giúp cho các học sinh có khả năng tự
tiếp thu kiến thức mới mà còn rèn luyện được đức tính tự giải quyết các
vấn đề, các bài toán khó cho cuộc sống sau này. Học là một quá trình
tích lũy theo thời gian, kể cả sau này khi không còn ngồi trên ghế nhà
trường hay không còn học đại học, người ta vẫn liên tục cần phải bổ sung
cho mình rất nhiều kiến thức không chỉ từ sách vở, internet, mà còn
thông qua việc quan sát cuộc sống, làm việc thực hành và những va chạm
khác trong cuộc đời.
Học tập một cách khoa học là trẻ phải tự nghiên cứu trước bài
ở nhà, tự đặt các câu hỏi, tự có cách giải quyết các vấn đề của mình
trước. Ảnh minh họa: InImages.
|
Nếu ngay từ nhỏ trẻ con không được rèn luyện khả năng tự học, sẽ trở
thành vô cùng bị động như những đứa trẻ mà tôi được biết qua câu chuyện
kể trên. Nếu ngay từ nhỏ, cha mẹ không dành nhiều thời gian để thấu hiểu
con, sẽ khó biết được con thực sự thích gì để định hướng và truyền cảm
hứng cho con. Khi quan tâm đến con thì thường là quá muộn. Quá muộn
không phải việc kiến thức chúng bị hổng khó bù đắp, mà quá muộn là
khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đã xa lắm rồi, không chia sẻ được.
Ngoài việc kiến thức bị hổng, trẻ phải đối mặt với những áp lực nhiều
phía, đặc biệt là những trì trích của cha mẹ, việc học hành không còn là
hứng thú, nên không thể tiếp thu. Từ đó đam mê, sáng tạo tìm tòi phát
huy những khả năng tiềm ẩn là hoàn toàn không thể.
Học tập một cách khoa học là trẻ phải tự nghiên cứu trước bài ở nhà, tự
đặt các câu hỏi, tự có cách giải quyết các vấn đề của mình trước, và
thầy cô là người hướng dẫn trẻ nên tìm câu trả lời trong những tài liệu
nào, hoặc đưa ra các gợi ý về việc giải quyết vấn đề. Học ngoại ngữ thì
càng cần phải tự học rất nhiều ở nhà và đến trường chỉ là tương tác và
giao tiếp. Thời gian học với người hướng dẫn và thời gian tự học phải có
sự cân bằng. Chỉ cần trẻ có khả năng và ý thức tự học, thì thời gian
học với người hướng dẫn vô cùng lý thú và hiệu quả.
Hiện tượng học thêm ở trường tràn lan và kém hiệu quả nhưng bao nhiêu
năm qua chưa thấy sự đổi thay đáng kể của ngành giáo dục. Vì thế, trước
khi hệ thống giáo dục cồng kềnh đang hô hào đổi thay, các bậc phụ huynh
phải tự đổi thay mình trước. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho con, hiểu
tâm tư nguyện vọng của con, truyền cảm hứng cho con hoặc tìm những người
đáng tin cậy để hướng dẫn cho con. Đừng lãng phí thời gian của con trẻ
cho những điều mà chính chúng ta cũng cảm thấy nó thật sự vô bổ.
Hãy giúp con hiểu hơn về bản thân, biết sớm đam mê của mình và tự tìm tòi để chạm đến ước mơ của chúng. Ảnh minh họa: InImages.
|
Hãy cho trẻ nhiều thời gian để nghiên cứu, làm thử một điều gì đó, sáng
tạo và say mê với nó. Tình trạng chung của nhiều trẻ cho đến khi trưởng
thành thường không biết mình muốn gì, thích gì, nên làm gì bởi từ nhỏ
chúng không được và không có thời gian để tự nghiền ngẫm một cái gì đó
cho thật sâu sắc. Tiếp xúc với nhiều sinh viên đại học, kể cả những em
sắp ra trường, các em đều chia sẻ với tôi một điều rất chung là: "Em
chán học quá, em không hiểu cứ phải học những điều giả tạo và không
thích này để làm gì, em muốn sống một đời sống khác, nhưng lại ngại phải
đảo lộn mọi thứ đã được sắp đặt và đang trôi".
Hầu hết học sinh sau khi tốt nghiệp đại học, ra ngoài cuộc đời, mới bắt
đầu thực sự sống cuộc đời của chính mình, đầy bỡ ngỡ, va vấp và đau khổ
cho sự lơ ngơ của chúng. Chúng muốn làm việc được hầu như phải tự học
lại từ đầu hoặc các công ty phải đào tạo gần như từ đầu. Chúng đã phí
hoài bao nhiêu năm cho việc làm hài lòng cha mẹ và thầy cô, phí hoài bao
nhiêu năm để trả lời cho mình câu hỏi mình là ai, mình muốn gì và mình
phải tự đứng lên bằng đôi chân của mình như thế nào?
Việc học kiến thức là vô cùng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn, trẻ
phải được học cách tự tìm ra những điều chúng thích, đam mê với nó, tự
tìm tòi, tự tìm những giải pháp và tìm đến con đường chạm tới ước mơ của
mình. Đó mới là cái đích của việc học. Thế nên cha mẹ ngoài việc hướng
dẫn cho con những phương pháp tự học và nghiên cứu, cần có những giải
pháp cân bằng với việc học ở trường và việc học thêm, tránh làm lãng phí
những tháng năm tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của con trẻ. Hãy giúp con
hiểu hơn về bản thân, biết sớm đam mê của mình và tự tìm tòi để chạm
đến ước mơ của chúng.
-----------------------------------------------