GS. Nhà giáo Nhân
dân Nguyễn Lân Dũng cho rằng việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp theo phương
án mới sẽ dẫn đến khả năng vấn đề “học lệch, học tủ”. Bởi lẽ, học sinh
đã biết trước 3 môn thi thì ngay từ lớp 10 các em sẽ có nguy cơ ảnh
hưởng của tư duy thi gì học nấy và bỏ học các môn còn lại.
Từ năm 2015 kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia 4 môn được sử dụng làm căn cứ xét tuyển ĐH, CĐ.
Vừa qua, ngày 9/9 /2014, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố phương án
tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Theo phương án được chọn để tổ chức cho kỳ
thi THPT quốc gia năm 2015, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các
môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và
một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học,
lịch sử và địa lý.
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn
thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ
theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong
đề án tuyển sinh của trường.
Với những học sinh, học viên không được học môn ngoại ngữ hoặc học
trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc
phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn
tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT,
sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục
vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ. Dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ
trì, phối hợp với các sở GD&ĐT.
Kết quả của 4 môn thi tối thiểu của kỳ thi THPT quốc gia, được sử dụng
để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển
vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Do vậy,
thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trước và đăng ký tuyển sinh vào
ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi THPT.
Phương án thi như trên đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Trao dổi với phóng viên, GS. Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng,
Đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII cho rằng: Phương án thi THPT quốc gia
Bộ GD&ĐT vừa công bố, khi đưa vào áp dụng sẽ này sinh nhiều vấn
đáng ngại…
Có ý kiến cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn bộ
GD&ĐT vừa công bố, tiết kiệm thời gian công sức của xã hội, vì bớt
được 1 kỳ thi. Quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ rằng đây là một vấn
đề lớn, tác động đến hàng triệu người dân (thầy cô giáo, học sinh, phụ
huynh...) vì vậy không thể chỉ đơn thuần là một quyết định của Bộ
GD&ĐT. Cần thông qua Quốc hội sau khi lấy ý kiến của Ủy ban Văn hóa
Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và Hội đồng tư vấn
Khoa học - Giáo dục của UBTW MTTQVN.
Thực tế, không bớt được kỳ thi nào vì đa số các trường ĐH, CĐ có chất
lượng tốt, yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào cao, sẽ tự tổ chức tuyển thi theo
tinh thần tự chủ đại học, đã được quy định trong Luật. Và như vậy cũng
không bớt được gì về thời gian, công sức và tiền bạc của xã hội.
Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp theo phương án mới, sẽ dẫn đến khả
năng vấn đề “học lệch, học tủ” nghiêm trọng hơn. Bởi lẽ, học sinh đã
biết trước 3 môn thi, và ngay từ lớp 10 chọn nốt môn còn lại để học,
phục vụ thi. GS đánh giá như thế nào về khả năng này và hướng khắc phục
ra sao?
GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng mỗi học sinh cần trang bị kiến thức phổ thông một cách toàn diện trước khi tốt nghiệp.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Đương nhiên sẽ xảy ra tình
trạng thi gì học nấy. Học sinh sẽ bỏ học các môn không thi và không nằm
trong số các môn tự chọn. Thầy cô giáo dạy các môn ấy sẽ ra sao khi học
sinh… không cần học những môn này? Đừng quên rằng hạnh phúc trong đời
mỗi người là đã từng được trang bị kiến thức phổ thông, một cách toàn
diện trong những năm tháng học hành dưới mái trường phổ thông. Quyết
định của Bộ GD&ĐT như phương án thi mới đưa ra, ảnh hưởng to lớn đế
kiến thức phổ thông của thế hệ trẻ. Đó là điều khó có thể chấp nhận.
Vậy với việc sử dụng kết quả thi PTTH để làm căn cứ xét tuyển sinh
viên vào ĐH, trong điều kiện hiện tại, liệu có đảm bảo được tiêu chí
chọn “người giỏi” không, thưa GS?.
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng: Chủ tịch MTTQVN Nguyện
Thiện Nhân cũng từng nói: “Mặt trận có một vinh dự rất lớn, được trao
quyền trách nhiệm thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tức là giám sát,
phản biện cho nhân dân cho nhân dân”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phân
tích đây là chuyện hệ trọng cần lắng nghe ý kiến các nhà khoa học. Vậy
mà ngay trước thềm Đại hội lần thứ VIII của Mặt trận lại có một vấn đề
lớn như thế này, không có sự giám sát và phản biện của Mặt trận và các
đoàn thể thành viên thì thật là không hợp lý.
Trong thời gian qua đã có rất nhiều ý kiến xác đáng đóng góp cho Bộ
GD&ĐT. Ở Mỹ, một tổ chức tư nhân nhận trách nhiệm tổ chức kỳ thi này
theo tín chỉ (như thi tiếng Anh), có thể thi nhiều lần, bao giờ đỗ thì
thôi. Ở Pháp có hai kỳ thi Tú tài chia ra ở cuối lớp 11 và lớp 12. Ở ta
nếu muốn giảm một kỳ thi quốc gia thì tôi đề nghị tổ chức “xét tốt
nghiệp THPT” thay vì “thi tốt nghiệp”. Không ai nắm vững trình độ học
sinh bằng chính giáo viên và Hội đồng giáo dục của từng trường THPT.
Tuy nhiên, để tránh tiêu cực dẫn đến tình trạng đỗ đến 99% như năm vừa
qua, cần có hai điều kiện: Một là, cần có kiểm tra thường xuyên và ghi
Học bạ. Với một học bạ xấu thì không thể “xét tốt nghiệp”. Hai là, cần
có chế độ lưu ban với mọi học sinh chưa đạt yêu cầu về kiến thức (kể cả ở
lớp 12). Bên cạnh đó, các Sở GD&ĐT phải thực hiện việc kiểm tra
tính nghiêm túc của các Hội đồng giáo dục ở từng trường THPT để đảm bảo
khách quan.
Xin cảm ơn giáo sư!
-----------------------------------------------------------------------------------