Theo thầy Phạm Ngọc Sơn, giảng viên môn Hóa chia sẻ: “Ôn thi môn Hóa Học quan trọng nhất là phải hiểu bản chất mới lựa chọn phương án đúng. Khi học phản ứng, nên học theo kiểu ghi theo chuỗi, hiện tượng khi phản ứng xảy ra và các chất quan trọng trong phản ứng.”
“Đặc biệt hết sức chú ý, có những kiểu câu hỏi lựa chọn câu đúng hay không đúng. Với câu hỏi bài tập, các dạng bài thường tập trung vào các phương pháp bảo toàn electron trong phản ứng oxy hóa khử, tăng giảm khối lượng, bảo toàn khối lượng… Khi ôn tập phải chia ra theo dạng, hình thành phản xạ dạng này phải làm thế nào. Khi làm bài tập, phải nhìn cả đáp án, có nhiều câu dựa vào đáp án cũng giúp nhận định nhanh chóng câu trả lời”.
Nắm vững tính chất các kim loại
Theo thầy Phạm Ngọc Sơn, trước hết các em đọc lại một lượt lý thuyết lớp 12. Trong đó, phần hữu cơ, các em tập trung chương 1 và chương 3. Chẳng hạn tìm công thức phản ứng, lập công thức phân tử, tìm công thức cấu tạo và gọi tên (phần này rất quan trọng), liên hệ đến các loại tơ sợi. Phần tiếp theo là nhớ công thức và tên gọi của một số Polymer. Tìm mối quan hệ giữa các hợp chất Alcol, Aldehit, Axit, Fe…
Phần vô cơ, các em cần nắm vững các tính chất chung của kim loại, dãy điện hóa, các phương pháp điều chế kim loại, ăn mòn kim loại… Sử dụng thành thạo một số phương pháp giải bài tập trắc nghiệm: bảo toàn nguyên tố, bảo toàn khối lượng… Nắm vững một số bài toán trọng điểm: điện phân, kim loại và axit, kim loại và muối… Nắm được những kiến thức cơ bản như trên đây, học sinh có thể đạt được 8 điểm.
Thầy Sơn cho biết, phân tích cấu trúc đề trong vài năm trở lại đây, điểm đặc biệt khi ra đề thi là sự tổng hợp các kiến thức trong các phần khác nhau trong câu hỏi lý thuyết. Ví dụ, trong câu trắc nghiệm Hóa, câu hỏi về sắt, cả 4 phương án trả lời đều liên quan đến sắt nên thí sinh phải có kiến thức tổng hợp để chọn đáp án nào đúng.
30 giây/câu hỏi
Cả 40 câu hỏi của đề thi trắc nghiệm Hóa học rải đều kiến thức, không sót phần nào. Thí sinh làm bài thi từ đầu đến cuối. Câu nào khó quá, thí sinh nên bỏ qua và đánh dấu để quay lại sau. Đặc biệt, ở phần thi lý thuyết, các em đọc cẩn thận kẻo bị nhầm lẫn vì các phương án lựa chọn đều na ná giống nhau. Sử dụng phương pháp loại trừ khi chọn đáp án lý thuyết. Chẳng hạn, phương án A cảm giác chưa chắc chắn thì đánh dấu và dùng các đáp án kia thử xem ra kết quả đúng hay sai. Nhiều năm gần đây, thí sinh thường sai và “chết” điểm khi làm lý thuyết chứ không phải sai ở phần bài tập. Nguyên nhân do các em đọc lướt qua câu lý thuyết và chủ quan nên chọn đáp án chưa chính xác.
Trong đề thi tốt nghiệp THPT, nguyên tắc khoảng 60% lý thuyết, còn lại là bài tập. Tuy nhiên, có những câu lý thuyết cũng yêu cầu tính toán một ít nên gần như tỉ lệ này trong đề thi tốt nghiệp là 50- 50 (đề thi năm 2010). Trong 40 câu hỏi của toàn bộ đề thi, có khoảng 4-5 câu khó, dài (chiếm khoảng 10%). Vài năm trở lại đây, số lượng câu hỏi hay, câu hỏi thông minh nhiều hơn. Thầy Sơn cho biết, phần bài tập trong thi tốt nghiệp THPT môn Hóa thường không quá khó nhưng mất thời gian cho tính toán. Phần này, các em cũng theo nguyên tắc bài nào khó quá thì bỏ qua. Bài nào không tìm ra cách làm thì lấy đáp số để thử. Đặc biệt, các em chú ý căn thời gian, không được làm bài nào quá 5 phút. Bài nào nhiều thời gian thì để sau. Đề thi tốt nghiệp THPT thông thường chỉ hơn bài kiểm tra bình thường nên các em chỉ cần hệ thống theo một số phần cơ bản trên đây đã có thể làm bài tốt.
Đề thi môn Hóa chỉ khoảng 60 phút nhưng có 40 câu hỏi nên thời gian dành cho mỗi câu khoảng hơn 1 phút. Trong đó, câu lý thuyết các em chỉ được phép dành khoảng 30 giây/câu để suy nghĩ và khoảng vài phút/câu bài tập. Những câu bài tập khó phải làm khoảng 5 phút/câu, các em nên làm sau cùng vì với số điểm khoảng 0,25 điểm/câu, các em không nên đầu tư thời gian quá nhiều.