Đã từ lâu, hầu như chẳng năm nào mà mỗi dịp thi cử ngành GDĐT lại không phải chịu bao lời phê phán, chỉ trích. Hết mổ xẻ bệnh thành tích, bệnh hình thức, lại tới nguyên nhân trượt dốc, xuống cấp… Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông này lại vẫn “bổn cũ soạn lại”.
Thầy xưa, thầy nay
Ai chẳng trải qua việc học hành, thi cử. Mỗi thời mỗi khác, mỗinơi cũng có thể mỗi khác nhau nhưng chắc chắn ai cũng ít nhất đôi lần được chứng kiến (hoặc có thể là tự mình) những hành vi mà nói nhẹ thì là quay cóp, nói nặng là gian lận trong thi cử.
Có lẽ như nhiều người thuộc thế hệ “một thời đạn bom, một thời hòa bình” thời chúng tôi vẫn còn nhớ như in kỳ thi tốt nghiệp khi Mỹ đang leo thang ném bom sát sạt thủ đô Hà Nội. Trong tiếng đạn bom và còi báo động hụ cả chục lần mỗi ngày, trong cái nóng như thiêu như đốt và điện lên tục bị cúp, chủ yếu phải chong đèn học dưới ánh đèn dầu tù mù, chúng tôi vẫn miệt mài "sôi kinh nấu sử". Dù phải nói thật là khi đó một số học sinh khá, giỏi trong lớp tôi cũng đã được giáo viên phân công “giúp đỡ những bạn ngồi xung quanh nếu bí quá”.
Quả thật là giám thị coi thi thời ấy cũng không quá chặt chẽ, chủ yếu vì thương học sinh thôi chứ tiền bồi dưỡng coi thi của Bộ chắc chỉ đủ cho mỗi thầy cô ăn thêm được bát phở mậu dịch “không người lái” (không thịt) mỗi sáng. Các bạn học lực yếu chút cũng có phần yên tâm hơn khi biết dù sao cũng có “phao cứu đắm” khi chẳng may bị “lệch tủ”. Và thời đó lớp 10A trường Trưng Vương B chúng tôi chỉ có hai bạn trượt tốt nghiệp. Số còn lại nam thì đa số lên đường ra mặt trận (sau khi yên tâm đã có tấm bằng tốt nghiệp phổ thông, ngày chiến thắng trở về còn có cơ hội học tiếp lên đại học), nữ chủ yếu thi vào ngành sư phạm…
Ra trường đã bao năm, nhớ ơn và dành tình cảm mến yêu cho các thầy cô giáo cũ bao nhiêu, chúng tôi càng xót xa cho các thế hệ “Người lái đò chở con chữ” chuẩn mực ấy bấy nhiêu khi được thấy và nghe kể về cảnh sống nhờ mức thu nhập “khủng” của nhiều bạn bè là giáo viên ở thủ đô bây giờ. Trong lớp tôi không ai là công nhân viên chức nhà nước mà có tài sản, của nả bằng được 1/10 các bạn giáo viên. Họ thu nhập từ đâu, không nói bạn đọc chắc cũng biết rõ cả.
Tôi cũng đã nghe bè bạn làm giáo viên tâm sự về nhiều điều cho thấy những gì chỉ là cực chẳng đã thời xưa (ví dụ như cũng có học sinh quay cóp, liều mang tài liệu vào phòng thi, nhắc bài cho nhau…) thì nay đã thành chuyện hiển nhiên, chuyện thường ngày và tất cả các “bệnh” trong ngành giáo dục hiện nay đều không thoát khỏi chữ Tiền.