Ở khu vực phía Nam, hiếm có nơi nào như trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng): 8 năm liên tiếp, thầy và trò trường này đều nhận được giải thưởng cuộc thi Quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước”, trong đó 2 lần được giải nhất, 1 lần được tham dự cuộc thi quốc tế tại Stockholm (Thụy Điển). Đam mê, khát vọng tìm hiểu, nghiên cứu khoa học có thừa, nhưng đến lần dự thi thứ 9 (trao giải ngày 11-6, tại Hà Nội), thầy trò trường THPT An Lạc Thôn không thể đi nhận giải vì... thiếu tiền.
Rất nhiều giải thưởng
Cuộc thi Quốc gia “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” được tổ chức hàng năm dành cho học sinh các trường trung học phổ thông hoặc trung học dạy nghề của Việt Nam, dưới 20 tuổi, do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp tổ chức.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải và nhóm học sinh yêu thích nghiên cứu khoa học trường THPT An Lạc Thôn. |
Là người trực tiếp hướng dẫn học sinh thực hiện nhiều đề án nghiên cứu, thầy Nguyễn Ngọc Hải, Tổ trưởng Tổ Sinh, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Em yêu môi trường” trường THPT An Lạc Thôn tự hào cho biết:
- Cuộc thi này phát động lần đầu vào năm 2003, đến lần thứ hai chúng tôi mới tham gia. Từ đó (2004) đến nay, 8 năm liền, năm nào học sinh của trường cũng được giải, tất cả đã có 19 giải thưởng, 2 lần được giải nhất (năm 2007 và năm 2011).
Theo thầy Hải, trong suốt quá trình nghiên cứu, kinh phí đều do thầy trò tự túc. Đều đáng quý là ý tưởng nghiên cứu hầu hết do các em tự nghĩ ra. Năm 2012, học sinh trường gửi dự thi 4 đề án, theo thông báo của ban tổ chức cuộc thi, chắc chắn có 2 đề án được giải thưởng.
Ông Nguyễn Danh Trường, chuyên viên Văn phòng Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) xác nhận:
- Ban tổ chức cuộc thi Quốc gia về “Cải thiện việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước” lần thứ 9 (2011-2012) đã nhận được 474 đề án dự thi của trên 1 nghìn học sinh THPT trong cả nước gửi về tham dự. Ban tổ chức đã quyết định trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích và 2 giải tập thể. Các đề án “Xử lý nước thải bằng hệ thống lọc đa năng” và “Lọc nước bằng vỏ than gòn” của trường THPT An Lạc Thôn cũng được giải.
Tuy nhiên, theo ông Trường, do nguyên tắc bảo mật đến phút chót của Ban tổ chức cuộc thi nên giải thưởng cụ thể của trường THPT An Lạc Thôn không thể tiết lộ, ngoài 2 giải tập thể đã công bố (trường THPT chuyên Thái Nguyên và trường THPT Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La).
Khó đi nhận giải
Sáng ngày 7-6, trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Ngọc Hải ngậm ngùi:
- Đến giờ phút này, mặc dù đã nhận được bản fax thông báo từ ban tổ chức cuộc thi, học sinh của mình có 2 đề án đoạt giải nhưng chúng tôi không thể tìm đâu ra kinh phí để đưa các em ra Hà Nội nhận giải.
Năm 2011, học sinh trường THPT An Lạc Thôn cũng được giải nhất, lúc ấy nhờ có sự hỗ trợ từ ban tổ chức cuộc thi, các tổ chức, cá nhân và Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) nên các em ra Hà Nội trình diễn mô hình, thuyết minh ý tưởng rất thuyết phục. Rất tiếc, khi sang Thụy Điển tiếp tục dự thi, do thời gian chuẩn bị quá ít, thiếu mô hình, hạn chế về ngoại ngữ và phương pháp trình bày... nên đề tài “Thu giữ dầu loang bằng thảm vỏ tràm” của nhóm tác giả thuộc lớp 11A2, trường THPT An Lạc Thôn không được đánh giá cao.
Trao đổi qua điện thoại với ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Tôi chưa nghe lãnh đạo trường này báo cáo. Đây là cuộc thi tự do, nên các trường thường chủ động tham gia, không cần xin phép, ngành giáo dục tỉnh nhà cũng ủng hộ. Nếu xét thấy đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn, chúng tôi sẽ vận động tài trợ cho các em”.
Thầy Nguyễn Ngọc Hải tính toán, nếu cả nhóm 4 em cùng người hướng dẫn đi nhận giải thưởng, chi phí đi lại đã trên 15 triệu đồng, chưa tính số tiền chi cho ăn uống, sinh hoạt, trong khi gia đình của các em tham gia nhóm nghiên cứu rất khó khăn.