Cách thức thi tốt nghiệp THPT như hiện tại chỉ làm học sinh mất thời gian ôn thi vô bổ, dẫn đến những hành động gian lận và sự giả dối của cả giám thị.
Tôi là người đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011. Qua quan sát, tôi thấy rằng nguyên nhân sâu xa nhất của tiêu cực trong kỳ thi này chính là ý nghĩa của nó. Đơn giản nó là một kỳ thi vô nghĩa nên càng vô nghĩa khi phải giữ gìn trật tự, nghiêm túc trong kỳ thi này.
Thứ nhất, về tên gọi, kì thi tốt nghiệp có mục đích chính là để tuyển lựa những thí sinh có được mức kiến thức căn bản của cả thời THPT. Thế nhưng đề thi lại chủ yếu xoay quanh kiến thức lớp 12.
Thực tế kiến thức 10, 11 rất phong phú, mang tính nền tảng nhưng lại bị coi không phải là những "kiến thức căn bản" để đưa vào kì thi. Ngay chính điều này đã thể hiện sự vô nghĩa của cả kì thi.
Thứ hai, tôi xin nói về bản chất, cách đánh giá của kì thi này. Khác với thi tuyển sinh, kì thi tốt nghiệp chỉ yêu cầu thí sinh trên 30 điểm để tốt nghiệp cùng những quy định cụ thể về việc phân loại tốt nghiệp giỏi, khá và trung bình.
Nói cho đúng thì kì thi yêu cầu việc thí sinh phải học đều các môn. Điều buồn cười là qua các năm Bộ sẽ lựa chọn 3 môn thi khác nhau (ngoài 3 môn cố định).
Điều này được giải thích là để học sinh không học lệch nhưng do không thông báo sớm (thường là qua Tết) nên phần đông học sinh không chú tâm ôn luyện tất cả các môn (như mục đích của việc này) mà lại chỉ quan tâm vào khối thi đại học của mình.
Khi Bộ đã đưa ra môn thi thì “nước đến chấn mới nhảy”. Dù rằng học sinh có thể thuộc nhanh nhưng những kiến thức sẽ quên rất nhanh. Hầu hết bạn bè tôi đều thế. Qua đây, chúng ta thấy cách đánh giá của kì thi cũng vô nghĩa.
Thứ ba, chúng ta hãy nói về kết quả của kì thi này mang lại cho xã hội. Nếu đúng như những gì tôi được học, tôi nghĩ bản thân mình đã không thể lĩnh hội được những kiến thức của môn lịch sử (theo đúng mức căn bản của sách giáo khoa) đơn giản vì năm 2011 không thi tốt nghiệp môn này.
Nói điều này để thấy, hầu hết các trường chỉ chú tâm nhồi nhét những kiến thức các môn thi cho học sinh của mình. Chúng ta có thể thấy, ngay cả những thí sinh đã vượt qua bằng thực chất cũng không có đủ kiến thức căn bản chứ đừng nói đến những thí sinh phải gian lận. Qua đó, thi tốt nghiệp như hiện nay chẳng đem lại lợi ích cụ thể.
Thứ tư, kì thi tốt nghiệp không mang lại cho chính người đi thi một điều gì. Tôi là người đã tận mắt chứng kiến ngay trong phòng thi, thí sinh đọc bài cho nhau chép. Có đôi lúc, giám thị nhắc nhở nhưng chỉ là “giơ cao đánh khẽ”.
Điều đọng lại cho chính những thí sinh là mất thời gian ôn thi vô bổ (vì chính sự vô nghĩa của kì thi), những hành động gian lận và sự giả dối của giám thị. Nói như thế, các bạn có thể hiểu vì sao những thí sinh gian lận nhiều thế.
Thứ năm, kỳ thi tốt nghiệt vốn dĩ vô nghĩa nhưng đôi lúc lại trở thành một chỉ tiêu thành tích ảo tưởng của các trường học. Vẫn biết các trường cần một mức thang đo để thể hiện chất lượng nhưng có thể do cố chấp, nhiều người vẫn đưa kỳ thi tốt nghiệp trở thành một áp lực lên các trường.
Do đó, các trường buộc lòng phải dạy cho học sinh để thi đỗ mà không chú tâm thực chất, chính điều này nảy sinh tâm lý không trung thực cho học sinh.
Về việc thí sinh ở trường Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang quay cảnh gian lận tiêu cực trong phòng thi theo quan điểm của tôi, chúng ta phải giải quyết như sau:
Thứ nhất, phải tuyên dương hành động này. Đây là một hành động tuy không biết chính xác mục đích là gì nhưng việc công khai cho dư luận là dũng cảm, đáng khen.
Thứ hai, việc mang dụng cụ cấm (ở đây là cây bút có khả năng quay phim) cần phải được xử lý theo đúng quy chế. Chúng ta không nên đặt tiền lệ xấu cho những kì thi tiếp theo.
Cách giải quyết cho vấn đề này, tôi xin đưa ra vài phương pháp như sau:
1. Nhanh chóng chấm dứt việc thi tốt nghiệp. Trước mắt chưa thể dừng ngay thì phải thi tốt nghiệp đầy đủ 8 môn (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa và Ngoại Ngữ) (đối với những địa phương đặc biệt có thể thi 7 môn trong đó môn Toán và Văn hệ số 1.5)
2. Chuyển việc chứng nhận tốt nghiệp THPT từ chỗ thi đậu sang việc xét tuyển của từng trường dựa vào học bạ. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi triệt để chấm dứt nạn cho điểm.
3. Đề thi tốt nghiệp phải trải rộng 3 năm cấp 3 và ở mức căn bản để rèn luyện ý thức cho học sinh từ sớm không quá ỷ lại.
4. Triệt để chấm dứt nạn học thêm. Chỉ nên duy trì những lớp phụ đạo cho học sinh cá biệt. Không nên dạy học sinh học lệch - học để thi đại học.
5. Tiến đến việc tự chủ trong việc học cho học sinh. Đề cao các môn năng khiếu, thể thao, giáo dục đầy đủ.
Cuối cùng, tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm dừng tổ chức thi tốt nghiệp vì sự vô nghĩa của nó và tôi cho rằng không nên có một cuộc vận động kiểu như ‘hai không” nữa.
Theo tôi, muốn làm cho các kỳ thi tốt nghiệp trong sạch thì phải chấn chỉnh từ cách dạy và học, trong sạch môi trường sư phạm.