Thường được ví như một hình mẫu về giáo dục phổ thông cho các khu vực khác trên thế giới, nhưng châu Á cũng đang bị đe dọa bởi sự phát triển nhanh tới mức đáng báo động của các hệ thống, dịch vụ dạy thêm. Điều này cũng cản trở những nỗ lực nhằm giảm sự bất cân bằng về kinh tế-xã hội của khu vực.
Hàn Quốc đang cố gắng thay đổi các chính sách về thi tuyển nhằm giảm bớt áp lực cho học sinh. Trong ảnh: Học sinh Hàn Quốc chuẩn bị cho một kỳ thi. |
Theo một nghiên cứu thực hiện bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Đại học Hồng Công được công bố mới đây, cùng với các hệ thống dạy thêm đang mọc lên như nấm, các hộ gia đình tại một số quốc gia ở châu Á cũng đổ hàng núi tiền để thuê gia sư riêng cho con cái. Có vẻ như các nhà hoạch định chính sách ở châu Á đã quên đi mất những hậu quả tiềm tàng xuất phát từ việc dạy và học thêm quá mức. Từ nhận định đó, báo cáo cũng kêu gọi các quốc gia trong khu vực tìm ra phương hướng giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng dạy thêm.
Dạy thêm là một một hình thức kinh doanh đang phát triển rất nhanh, không chỉ ở những nước giàu mà còn ở ngay cả những quốc gia có nền kinh tế lạc hậu hơn trong khu vực. Các bậc phụ huynh ở châu Á đã đầu tư hàng tỷ USD cho con em mình học phụ đạo. Điều đáng ngạc nhiên là xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến, bất chấp những nghi ngại về chất lượng dạy thêm. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến trào lưu này, theo ADB, là do các bậc cha mẹ đều muốn con em họ bước vào đời với sự khởi đầu tốt nhất, thông qua học tập.
Hiện tượng dạy thêm xuất hiện chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Công, nhưng cũng bắt đầu trở nên phổ biến hơn tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Ở Hàn Quốc, trung bình gần 9 trong số 10 học sinh tiểu học có gia sư riêng dạy kèm. Học thêm được giải thích chủ yếu là để bổ trợ kiến thức cho những học sinh tiếp thu chậm có thể theo kịp bạn bè cùng trang lứa và giúp những em có học lực khá có thể tiếp tục phát huy thành tích học tập của mình. Ngoài ra, theo cách nghĩ của nhiều bậc phụ huynh ở châu Á, học thêm cũng là một cách để giúp con em họ sử dụng thời gian rảnh rỗi một cách hiệu quả, tránh vấp phải những cám dỗ ngoài cổng trường.
Thế nhưng, báo cáo ADB cũng cho rằng, chính vì học thêm quá mức nên nhiều học sinh không còn thời gian chơi thể thao cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa – một yếu tố cần thiết để các em phát triển toàn diện. Học thêm quá nhiều cũng có thể dẫn tới sự căng thẳng tâm lý đối với học sinh và thậm chí làm gia tăng khoảng cách trong xã hội, bởi những gia đình có điều kiện về tài chính thường chi nhiều tiền để thuê những gia sư tốt hơn cho con mình.
Theo ước tính nêu trong báo cáo, chi phí cho gia sư riêng ở Hàn Quốc tương đương với 80% tổng số tiền mà Chính phủ nước này dành cho giáo dục. Riêng trong năm 2010, các bậc phụ huynh tại Nhật Bản cũng chi tới 12 tỷ USD cho việc học thêm của con cái, trong khi con số này tại Xin-ga-po là 680 triệu USD vào năm 2008. Hiện nay, ở Hồng Công cũng có khoảng 85% học sinh cấp hai tham gia vào các lớp học thêm. Những mẩu quảng cáo dạy thêm xuất hiện khắp nơi: Trên TV, báo chí hay ngay cả trên xe buýt. “Dù chi phí có ít hơn những quốc gia khác, nhưng Hồng Công vẫn đi đầu trong xu hướng chung về dạy và học thêm ngoài giờ của khu vực”, báo cáo cho biết.
Phát triển “không phanh” như vậy nhưng chất lượng của việc học và dạy thêm tại châu Á vẫn đang đứng trước một câu hỏi lớn. Ở nhiều quốc gia đã xuất hiện những gia sư không qua đào tạo sư phạm, khiến chất lượng dạy thêm cũng rất đáng ngờ. Chính vì vậy, nghiên cứu của ADB kêu gọi chính phủ các nước cần tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ hơn việc dạy và học thêm, cũng như xem xét lại hệ thống giáo dục của khu vực.