Sau vài năm du nhập vào VN, những bức xúc quanh kết quả của các chương trình truyền hình thực tế dường như đã không còn lạ, khi mà ai cũng biết rằng mỗi chương trình đều có sự “nhúng tay” của nhà sản xuất, và tính thực tế của những sân chơi này hầu như chưa bao giờ được công nhận.
“Bi kịch” Giọng hát Việt
Tập 3 vòng Đối đầu (phát sóng đêm 9.9 trên kênh VTV3) của The voice - Giọng hát Việt chưa kịp kết thúc thì chương trình lập tức rơi vào “bi kịch” vì một đoạn ghi âm và các tin nhắn về Giám đốc âm nhạc cuộc thi - Phương Uyên.
Các thí sinh vào vòng Đối đầu của The Voice - Giọng hát Việt |
Câu chuyện bắt đầu từ một cuộc trao đổi của Phương Uyên với thí sinh của cuộc thi, cũng như những email trao đổi công việc của cô với những người có liên quan, được một cư dân mạng thu thập và tung lên mạng. Theo clip hậu trường kia, chỉ vì muốn chọn thí sinh theo chủ quan của mình, và vì muốn xây dựng đường dây kịch bản theo hướng đã chọn ấy, chương trình sẵn sàng cắt luôn phần dự thi và được chọn của H'Zina Bya ở vòng Giấu mặt, khi thí sinh này bỏ cuộc chơi vì bị ép hát ca khúc không thuộc sở trường của mình tại vòng Đối đầu. “Phía sau” là vậy, còn “trước mặt”, người xem hẳn không khó để nhận thấy sự “chèn ép” thí sinh trong khâu chọn bài diễn ra ở một số cặp, rõ nhất là cặp Anh Tuấn - Ksor Đức (một người có thế mạnh hát tiếng Anh và một người thì ngược lại, và ca khúc được chọn là tiếng Anh), hoặc dễ dàng thấy được việc “chọn em” một cách bất ngờ của huấn luyện viên (HLV), dù “em ấy” tụt phong độ và hát yếu hơn người bị loại trong màn đối đầu (như cặp Bùi Anh Tuấn - Hồng Dương hay Bảo Anh - Thu Thủy...).
|
Trước đó, nhiều ý kiến cũng đã lên tiếng việc khen - chê của các HLV. Đánh giá thí sinh là điều tất yếu của các cuộc thi, nhưng quá nhiều lời khen sẽ gây bất lợi cho HLV và không nhận được sự đồng tình nơi số đông. Ở Giọng hát Việt, các HLV đã làm rất tốt vai trò “biến” những giọng hát... bậc trung thành “ngôi sao”, song vì họ đang rơi vào trường hợp dùng các lời khen có cánh cho hầu hết thí sinh (hay và cả chưa hay) nên không thuyết phục.
Khán giả hụt hẫng
Báo chí từng phanh phui về sự thiếu minh bạch (nói cách khác, là có sự sắp đặt) trong kết quả của buổi thi trước đêm chung kết Vietnam Idol 2007; Bước nhảy hoàn vũ và Cặp đôi hoàn hảo cũng đều không thoát được phản ứng tiêu cực từ chính nghệ sĩ tham gia khi họ cảm nhận lẫn thấy được sự dàn xếp kết quả của BTC; Vietnam’s Got Talent không ngoại lệ khi bị gia đình thí sinh tố cắt xén - dàn dựng trong kịch bản... Tất cả những phản ứng của khán giả, người trong cuộc, tất nhiên, đều kèm theo những dẫn chứng cụ thể, tuy nhiên có lẽ chúng chưa “đủ đô” để “buộc tội”, cũng như không nhận được sự ủng hộ đến cùng của công chúng (vì đã chơi thì phải chấp nhận luật chơi), hoặc may mắn không bị ghi âm - quay - chụp lại để phanh phui..., nên cuối cùng đều rơi vào thinh lặng.
Thế nên, khi The voice - Giọng hát Việt bị lộ kết quả có dàn xếp, thì cũng là chuyện thường tình với người làm nghề. Vụ việc vẫn chưa đến hồi kết, nhưng nếu tất cả những thông tin mà clip vạch trần chuyện bếp núc của chương trình là sự thật, thì khán giả, những ai từng bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn lẫn tính nhân văn mà Giọng hát Việt hướng đến, hẳn sẽ hụt hẫng. Bởi họ đã sung sướng để chờ đợi và hạnh phúc nhường nào khi thưởng thức những giọng hát đẹp ở vòng Giấu mặt; để rồi thẫn thờ và bất ngờ khi không ít những giọng hát ấy bị loại dần ở vòng Đối đầu.
Lâu nay, với truyền hình thực tế có thi thố, khán giả ít nhiều hiểu những thí sinh được chọn chưa hẳn là xuất sắc, mà bởi họ là nhân vật phù hợp với format (định dạng) được xây dựng, sao cho nhà sản xuất “thắng” về mặt doanh thu từ quảng cáo. Riêng với “cú sốc” mà scandal Giọng hát Việt vừa mang lại (không sớm thì muộn, khi cuộc thi kết thúc và thí sinh không còn ràng buộc bởi điều khoản nào), phải chăng đó là hệ quả tất yếu khi sự can thiệp - dàn dựng đã vượt quá giới hạn?
-----------------------------------------------