Sự kết hợp của Over với Under là một xu thế chung và V-pop cũng không nằm ngoài qui luật ấy.
Sự kết hợp của những tất yếu
Sự bùng nổ của những sản phẩm âm nhạc đến từ giới Underground không chỉ
khiến cho giới truyền thông và khán giả phải có cái nhìn khác về dòng
nhạc này mà còn dẫn đến sự “bắt tay hợp tác” giữa những tên tuổi trong
giới Over với các nghệ sĩ đến từ Under.
Nhìn lại lịch sử phát triển của nền âm nhạc Việt đương đại, có thể thấy
sự hợp tác này đã xuất hiện khoảng 6-7 năm trước, khi mà pop-ballad vẫn
là dòng nhạc được ưa chuộng với những tên tuổi trong dòng nhạc trẻ tại
thị trường TP. HCM. Đơn cử là sự xuất hiện của rapper LK trong nhiều sản
phẩm của cựu thành viên nhóm GMC – Ưng Đại Vệ như Anh nhớ em nhiều, Vì một người (2006), rồi dự án hợp tác với Ưng Hoàng Phúc trong single Căn gác trống.
Rapper LK và Ưng Đại Vệ trong sự kết hợp “gây bão” vào năm 2006
Tuy vậy, phải đến năm 2010, khi dòng nhạc Underground bùng nổ mạnh mẽ
với sự đi đầu của cộng đồng hiphop, Rn’b Hà Thành thì làn sóng Over và
Under “song kiếm hợp bích” mới thực sự trở thành một trào lưu mới của
V-pop.
Mr.T, Bảo Thy, Yanbi trong hit Nothing in your eyes
Có thể kể ra đây hàng loạt sự kết hợp cực kì khôn ngoan. Đầu tiên phải
kể đến Addy Trần, singer một thời đình đám trong giới Underground, được
Ngô Thanh Vân mời về làm producer cho VAA, đã làm nên những bản dustep
cực “chất” của nhóm 365 và cô em Mi-A. Hay như Mr.T, chàng rapper bay cao từ hit Bản sắc Việt Nam, có hàng loạt dự án kết hợp với những tên tuổi trong giới Over như Oh Daady (với Bùi Anh Tuấn), Nothing in your eyes 2 (cùng Bảo Thy và Yanbi), Yêu nữ
(cùng Vũ Hạnh Nguyên)… Ngoài ra cũng phải kể đến Karik, đại diện ưu tú
trong những rapper đến từ cộng đồng Underground Miền Nam, đã có những sự
kết hợp khá đặc biệt với các tên tuổi Over như với MTV ,
Võ Trọng Phúc, Duy Khiêm Ngố (trong Cha)… Bên cạnh đó cũng không thể
không đề cập đến hàng loạt sự kết hợp khác như Miu Lê với Tony Việt
(trong hit Hi vọng), Hoàng Hải với Yanbi và Mr.T (trong Vu vơ)…
Mr.T, Yanbi và Nam Cường
Xu hướng này đang nở rộ và phát triển khi ngày càng có nhiều dự án kết
hợp giữa những nghệ sĩ trong giới Over và Under, không chỉ ở phần trình
bày ca khúc mà còn có cả sự bắt tay trong lĩnh vực sáng tác, thu âm,
phối khí và sản xuất ca khúc.
Sự bắt tay hợp tác giữa 2 dòng nhạc có lịch sử phát triển và đặc thù
khá khác nhau này được xem là một sự tất yếu cần phải có. Vì sao lại nói
như vậy?
Thứ nhất: Đây là sự hợp tác tất yếu khi mà các nghệ sĩ
trong giới Over nhận thấy được khả năng và thực tài của những tên tuổi
trong giới Under. Họ mong muốn hợp tác để có thể cho ra mắt thêm những
sản phẩm chất lượng.
Thứ hai: Sự bùng nổ của làn sóng Underground là một
qui luật tất yếu của V-pop. Nền âm nhạc Việt đã quá lâu không có sự đổi
mới. Làn gió mới đến từ Under đã giúp cho V-pop có những bước phát triển
có thể gọi là đột phá. Các nghệ sĩ Over ngày càng bị cạnh tranh gay gắt
bởi các tên tuổi đến từ Under cả về thị hiếu lẫn sản phẩm. Do đó, sự
bắt tay hợp tác này là điều hoàn toàn dễ hiểu khi mà nó vừa giúp các ca
sĩ Over có sự đổi mới trong dòng nhạc để đẩy mạnh tên tuổi, đồng thời
cũng giúp những nghệ sĩ Under đến với đông đảo khán giả đại chúng hơn.
LK và Vũ Duy Khánh trong single Đối mặt
Khán giả là người được lợi
Khán giả chính là người được hưởng lợi từ sự kết hợp giữa Over và Under
này. Nếu như bạn đã quá chán những bản ballad pop não nề, hay không thể
“nhập tâm” được những bản rap xù xì, góc cạnh với những ngôn từ quá xa
lạ; thì hãy tìm đến một đứa “con lai” – sản phẩm của sự kết hợp giữa
những nghệ sĩ Over và Under. Ở đó, bạn vừa có thể lắc lư theo những điệu
nhạc bắt tai của dòng nhạc R’nB, dustep; vừa có thể nhập tâm vào những
ca từ, giai điệu được đầu tư kĩ càng và chau chuốt.
Những sự kết hợp giữa Over và Under đã được khán giả đón nhận. Karik và MTV trên sân khấu Bài hát yêu thích
Không chỉ thế, sự bắt tay này còn khiến cho V-pop được khán giả chú ý
hơn. Nó vừa huy động được một lượng fan hùng hậu từ các ca sĩ Over, vừa
có thể làm vừa lòng những tín đồ của dòng nhạc Under khó tính. Do đó, vô
hình chung, những sự kết hợp này đã mang đến cho V-pop một bước phát
triển mang tính đột phá.
Nhìn lại sự phát triển của các nền âm nhạc thế giới như US, UK, K-pop,
có thể thấy sự bắt tay của Over và Under là một xu thế chung. Nó sẽ thúc
đẩy sự phát triển của nội tại nền âm nhạc trên một trình độ cao hơn. Sự
khác nhau về quan điểm thẩm mĩ khi kết hợp và dung hòa đôi khi lại mang
đến những sản phẩm mang tính đột phá, đầy sáng tạo.
Khán giả chính là người được lợi từ những sự kết hợp này (Ảnh minh họa)
Như vậy, sự kết hợp của Over và Under là một xu thế tất yếu. V-pop cũng
không nằm ngoài qui luật ấy. Suy cho cùng, mỗi đổi mới ở một nền âm
nhạc đều mang đến những sự mới mẻ cần thiết. Ở V-pop, tuy sự đổi mới,
phá cách chưa quá rầm rộ và trên qui mô rộng, song vẫn là những dấu hiệu
đáng mừng. Khi đó, khán giả chính là người hưởng lợi nhiều nhất khi có
thể được thưởng thức những sản phẩm âm nhạc chất lượng “Made in V-pop”.
-----------------------------------------------