Sau khi các fan của Uyên Linh ở Hà Nội tung ra clip
bày tỏ sự bức xúc về việc trừ tin nhắn rác một cách vô lý của Ban tổ
chức chương trình Bài hát yêu thích, bên cạnh những sự đồng tình, có khá
nhiều những thắc mắc của dư luận xung quanh clip được dàn dựng khá công
phu này.
Điều thắc mắc đầu tiên nằm ở khung cảnh quay clip.
Cảnh quay có khá đông các fan trong một cửa hàng điện thoại di động tại
Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đến khi đại diện kinh doanh của cửa hàng phát
biểu: "Tôi đã bán 1.000 sim vào ngày 20/12/2012 cho các bạn sinh viên và
những người yêu thích ca khúc Người hát tình ca. Tôi xin xác
nhận số sim này là hợp lệ”, máy quay lia rất rõ vào logo thương hiệu nhà
mạng đã bán số sim này, sau đó lại quay đến bảng hiệu của cửa hàng.
Bạn đọc Xuân Tân thắc mắc: "Nếu như
chỉ đơn thuần quay clip để nói lên bức xúc, tại sao phải chọn địa điểm
quay là cửa hàng di động? Mình có cảm giác có một sự sắp đặt, thỏa thuận
khá công phu với cửa hàng để làm nên một clip chỉn chu và có dáng dấp
của nhà tài trợ đứng sau". Nickname Bupbe18... lại đặt
ra giả thiết, có thể các fan muốn phỏng vấn đại diện cửa hàng để tăng
thêm sức thuyết phục cho clip, và cửa hàng đòi phải quay bảng hiệu để
trao đổi. Dù sao, nhìn vào cũng thấy hơi kì kì, có sự sắp xếp".
|
Fanclub Uyên Linh và BTC đều đưa ra bằng chứng cho rằng mình đúng. Nhưng những cuộc chiến thế này thường sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng khi chưa có kết quả rõ ràng. |
Thêm nữa, việc các fan công bố thông tin mua 1.000
chiếc điện thoại giá rẻ cùng với sim khuyến mãi để nhắn tin cho thần
tượng bị chỉ trích là tự thừa nhận đang... mua giải bằng sim rác, điều
trái với tiêu chí Ban tổ chức đặt ra từ đầu. "Đúng là fan nào cũng muốn
thần tượng của mình đạt giải. Nhưng hành động mua điện thoại và sim rác
vẫn chứng minh các giải thưởng âm nhạc hiện nay chỉ đơn thuần là cuộc
chiến của các FC chứ không phải là sự yêu thích thật sự từ khán giả.
Điều đó thật đáng buồn", bạn đọc AZN nhìn nhận.
"1.000 sim nhưng người chủ thực sự lại chỉ vài chục
hoặc cùng lắm là vài trăm người. Thế thì có khác gì sim ảo?", một hot
blogger đặt ra câu hỏi. Quả thật, nếu như Uyên Linh trở thành người
thắng giải, có lẽ câu chuyện 1.000 chiếc điện thoại đã chìm trong im
lặng mãi mãi. Khán giả không thể nào biết được, để đưa thần tượng trở
thành người chiến thắng, các fan đã phải huy động sức người, sức của và
thời gian như thế nào.
Nếu xét về mặt nguyên tắc, cách BTC xác nhận sim rác,
thuê bao ảo cũng khá mập mờ. Chính sự mập mờ này làm nảy sinh ra "sáng
kiến" mua 1.000 chiếc điện thoại, để khi BTC gọi điện, chuông đổ, điều
đó chứng minh thuê bao này là hợp lệ. Trong khi đó, những thuê bao có
người sử dụng hẳn hòi, nhưng vì một lý do nào đó mà chủ nhân phải tắt
máy (hết pin, đi máy bay...) trong lúc BTC gọi thì vẫn có nguy cơ bị hủy
tin nhắn. Đề ra luật lệ để hạn chế sự gian lận là một điều tốt, cần học
hỏi, nhưng cách áp dụng luật của BTC vẫn còn thiếu chuyên nghiệp để giữ
được lòng tin nơi khán giả cũng như khiến các fan "tâm phục khẩu phục".
Sau Ngọc Anh, có lẽ sẽ đến lượt Uyên Linh nói lời tạm biệt với sân chơi âm nhạc có quy mô và ảnh hưởng khá lớn trong thời điểm hiện nay. |
Nếu những lời lẽ bức xúc của Uyên Linh, Lưu Thiên
Hương và các fan của Admin fanpage chương trình là có thật, thì có lẽ
BTC nên có một lời xin lỗi và sửa sai rõ ràng. Vì fanpage chính thức
cũng được xem là công cụ phát ngôn của BTC. Dù viết xong rồi xóa comment
đi cũng không thể mờ đi sự tổn thương, ức chế trong lòng người nghệ sĩ
và fanpage của họ. Uyên Linh từng lên tiếng về những comment bị xem là
rất thiếu văn minh của admin. Tranh cãi qua lại, bên nào cũng có những
lý lẽ cho là mình đúng. Nhưng giá như cả hai bên chịu cùng nhau hợp tác,
có lời giải thích hợp tình, hợp lý với fan thì đã không dẫn đến những
thị phi như bây giờ.
Chính sự thiếu văn minh, thiếu tôn trọng lẫn nhau và
không tìm được tiếng nói chung đã dẫn đến những "chiêu" để "lách luật"
và khiến cho những sân chơi âm nhạc này không giữ được sự minh bạch và
chuyên nghiệp như sứ mệnh ban đầu mà nó được giao phó.
-----------------------------------------------