Đề
thi Ngữ văn vào lớp 10 năm nay của Hà Nội là đề mở có tính thời sự, gây
hứng thú ở câu hỏi về hình ảnh những người chiến sĩ ngày đêm bảo vệ
biển đảo thiêng liêng của dân tộc. Nhưng câu hỏi đó không dễ, vì SGK
lịch sử phổ thông đến nay vẫn "trống” mảng Biển Đông.
Đề thi địa lý tốt nghiệp THPT vừa qua
có câu hỏi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng
giềng trong giải quyết các vấn đề về biển đảo. Và một lần nữa câu hỏi về
biển đảo lại đi vào đề thi văn lớp 10 Hà Nội, một câu mà thí sinh đều
chưa từng được học, được ôn. Chỉ em nào có nền tảng kiến thức xã hội và
biết cách ứng biến linh hoạt kiến thức mới thấy thú vị, còn hầu hết sẽ
khó cho kết quả tốt như mong đợi.
Lý do là thầy cô ra đề văn năm nay "có
cảm hứng về biển đảo” và muốn truyền cho hơn 70 ngàn thí sinh Hà Nội
mùa thi này. Nhưng một khi chương trình môn Lịch sử Việt Nam trong
trường phổ thông chưa có dòng nào nói về chủ quyền của Việt Nam ở Biển
Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thì đề thi có biển đảo thật
đáng hoan nghênh nhưng cũng là thách thức lớn cả với thí sinh và các
thầy cô giáo.
Tại hội thảo "Vấn đề Biển Đông trong
nghiên cứu và giảng dạy lịch sử” do trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức
cách đây chưa lâu, nhiều ý kiến đề nghị cần lựa chọn những kiến thức chủ
chốt khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và hai quần đảo
Hoàng Sa, Trường Sa, cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong việc bảo vệ
chủ quyền biển đảo vào SGK lịch sử. Song chưa biết đến bao giờ, biển đảo
mới đi vào SGK như đáng lẽ, như kiến nghị của nhiều chuyên gia, thầy cô
giáo?
Thạc sĩ Ninh Xuân Thao cho rằng: Việc
giáo dục học sinh về vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa đã chưa được quan tâm
đúng mức. Lược đồ "Các quốc gia Đông Nam Á cổ đại và phong kiến” (SGK
lớp 10, ban cơ bản) có nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa nhưng lại không đề
cập là của Việt Nam hay quốc gia nào. "Nếu đặt câu hỏi hãy nêu những cứ
liệu chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam thì hầu hết học
sinh không thể điểm tên được cứ liệu…”- thạc sĩ Thao nhận định.
Quả thực trong 9 năm học lịch sử (kể
từ lớp 4 tới 12), học sinh không được học về chủ quyền biển đảo nói
chung và vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng. Có chăng chỉ được trình
bày gián tiếp thông qua hệ thống bản đồ, lược đồ. SGK Lịch sử lớp 10 đến
lớp 12 ở hai ban Nâng cao và Cơ bản, cả phần kiến thức trọng tâm và
kiến thức tham khảo, đọc thêm, đều không có mục nào đề cập đến vấn đề
Hoàng Sa, Trường Sa. Tình trạng này diễn ra tương tự ở SGK Lịch sử bậc
THCS và SGK Lịch sử và Địa lý ở lớp 4 và lớp 5.
"Lịch sử của một đất nước, một cộng
đồng dân cư sinh ra trên bờ biển, sống cùng biển, chết không rời biển
lại không có lấy một dòng nào - trong SGK - về chủ quyền biển đảo thiêng
liêng. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế
về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”- GS. TS Nguyễn Quang Ngọc, một
trong những nhà khoa học đi đầu trong nghiên cứu và giảng dạy về chủ
quyền biển đảo Việt Nam đầu năm học qua đã nói vậy tại hội thảo "Dạy và
học lịch sử ở trường phổ thông” tổ chức ở Đà Nẵng.
Cách làm chủ động ở một số địa phương
như Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang trong thời gian qua, đưa biển đảo vào
giảng dạy trong nhà trường là đáng quý. Song theo các chuyên gia, việc
giảng dạy về nội dung này không thể tiến hành một cách tự phát. Các vấn
đề về lịch sử, về đường lối, chính trị, ngoại giao đối với hai quần đảo
này cần có tài liệu chính thống. Trước khi đưa vào chương trình SGK cần
biên soạn tài liệu giảng dạy vấn đề này tại các trường sư phạm.
GS Phan Huy Lê cũng đã kiến nghị Bộ
GD&ĐT nên mời một số chuyên gia biên soạn tài liệu bổ sung vào SGK
gồm tài liệu cho HS và tài liệu hướng dẫn cho giáo viên. Trong lớp tập
huấn giáo viên thường tổ chức vào mùa hè nên đưa nội dung này vào chương
trình tập huấn, khi hiện nay chưa có tài liệu chính thức nào về Biển
Đông được Bộ GD&ĐT triển khai cho các trường.
-----------------------------------------------