Ngày 1/7, toàn thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức
tuyển sinh vào các trường mầm non, dù các quận đã cố gắng xoay sở bằng
cách phân lại tuyến tuyển sinh để "giảm nhiệt” ở những điểm “nóng”.
Nhưng do hầu như các quận nội thành đều thiếu trường công lập nên tình
trạng bốc thăm vẫn diễn ra phổ biến, khiến việc học hành ngay từ khi
chập chững bước vào trường của các bé đã phải phụ thuộc vào sự may rủi.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, phương thức tuyển sinh của các
trường là xét tuyển theo tuyến do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Tuy
nhiên, thực tế, số trường công lập quá ít và không đáp ứng hết số lượng
trẻ vào mầm non năm nay.
Trường mầm non Trung Tự (Q.Đống Đa) thông báo tuyển 45 trẻ sinh năm
2011, trong khi đó số trẻ đúng độ tuổi trong địa bàn P.Trung Tự lên tới
271 cháu. Tương tự, có 223 trẻ sinh năm 2010 nhưng trường thông báo chỉ
tuyển 100 cháu; trẻ sinh năm 2009 chỉ tuyển 10 cháu…
Các trường mầm non trên toàn Q.Ba Đình, tuyển mới 40 lớp với 2.105
trẻ, nhưng số trẻ qua điều tra có tới 15.339 cháu. Các trường có tỷ lệ
chênh lệch lớn về chỉ tiêu và nhu cầu học như trường mầm non số 5 tuyển 2
lớp với 110 trẻ, trong khi số trẻ trên địa bàn là 1.689 cháu. Trường
mầm non số 10 tuyển 3 lớp với 165 trẻ, thực tế trên địa bàn là 1.364
cháu. Trường mầm non Tuổi thơ tuyển 230 trẻ, số trẻ khảo sát là 1.830
bé.
Tại Trường mầm non Kim Liên (Q.Đống Đa), bà Tô Thị Mai Phương, Hiệu
trưởng nhà trường cho biết sẽ tuyển sinh 150 cháu nhà trẻ từ 24-26 tháng
trên địa bàn P.Kim Liên và P.Phương Mai. Trước hết, nhà trường tổ chức
cho phụ huynh đăng ký xin học cho trẻ. Ngày 9/7 nếu nhà trường nhận số
hồ sơ đăng ký xin học không quá chỉ tiêu (150 cháu) sẽ thông báo để phụ
huynh ra làm thủ tục nhập học cho con. Nếu số hồ sơ quá 150 trẻ, nhà
trường sẽ tổ chức bốc thăm (từ 8 giờ 30 đến 10 giờ ngày 9/7/2013).
Trước tình trạng cung thấp hơn cầu này, nhiều trường đã phải lựa chọn
phương án bốc thăm. Trường Trung Tự cho biết, nếu số đăng ký xin học với
trẻ sinh các năm 2009, 2010, 2011 nhiều hơn số chỉ tiêu thì nhà trường
sẽ tổ chức bốc thăm.
Thực tế, bốc thăm đang là hình thức duy nhất, phụ thuộc vào hên xui
kiểu “bàn tay vàng” của các phụ huynh cho việc con cái có được học
trường công lập hay không. Nhưng đây chỉ là cách giải quyết tưởng chừng
mang tính thời điểm, nhưng lại tồn tại nhiều năm nay như một phương pháp
cứu nguy cho trường khi khó nghĩ. Vì thế, kéo theo đó là chuện “bỏ mặc”
những bé không may bố mẹ bốc thăm không trúng. Vậy hàng nghìn bé này sẽ
học ở đâu, chẳng ai quan tâm, ngoại trừ gia đình của bé.
Việc các khu đô thị mới mọc lên thu hút số đông dân cư nhưng lại không
hề dành đất cho chuyện xây trường hay xây khu vui chơi cho trẻ em, vì
vậy, tình trạng thiếu trường nói chung và trường mầm non nói riêng đang
là tình trạng phổ biến tại những khu đông dân cư. Chuyện xây trường cũng
đã được đặt ra, chẳng hạn tại Q. Hai Bà Trưng, năm nay đưa thêm 4
trường mầm non công lập vào hoạt động, hy vọng sẽ giải quyết được nhu
cầu đi học của 2.000 trẻ, nâng tổng số trường mầm non của toàn quận lên
28 trường công lập. Vì “hạ nhiệt” nên Q.Hai Bà Trưng dự kiến sẽ không tổ
chức bốc thăm.
Nhưng đây cũng chỉ là một trong số ít quận có điều kiện xây trường,
còn những quận khác trong nội thành thì tình trạng bốc thăm vẫn phổ biến
như thường. Vì vậy, tình hình học hành của con trẻ ngay từ khi mới chập
chững đến trường đã phải phụ thuộc phải sự hên xui, dù sao cũng sẽ
khiến các bé thấy tủi thân, ấm ức: sao bạn được vào học mà con lại
không? Lúc đó, bố mẹ sẽ trả lời ra sao, chẳng nhẽ lại buồn rầu thú nhận,
giáo dục Việt tốt hay không cũng do may rủi.
-----------------------------------------------