Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Chuyện có gì mà ầm ĩ

Cậu bé Quang Anh trở thành quán quân Giọng hát Việt Nhí đêm hôm trước, sáng hôm sau dư luận ầm ĩ “đầu làng cuối xóm”. Sao vậy, dù là đứa trẻ, hay cô gái yếu mềm, cứ lên bục cao nhất, gọi là đăng quang thì lập tức “cả nhà, cả họ” bị mang ra phán xét.
Dư luận của chúng ta sao khắc nghiệt, xúc phạm người khác dễ dàng và không tha ai hết vậy?
Bọn trẻ cất cao tiếng hát. Người lớn lại ngồi phán xét.
Thử đặt vài câu hỏi và chúng ta tự trả lời: Quang Anh đăng quang xứng đáng không? Công văn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị bầu chọn cho Quang Anh có phải là chiếc đũa thần thay đổi mọi thứ, giúp cậu bé này chiến thắng? Nếu là bạn, khi thấy thí sinh không xứng đáng bạn có buộc phải bầu chọn không?
Câu hỏi thứ nhất: Cuộc thi diễn ra trước mắt chúng ta (xem tại sân khấu hoặc qua truyền hình trực tiếp). Trong căn nhà của mình, mắt ta nhìn, tai ta nghe, điện thoại trong tay ta, nếu thấy xứng đáng thì bầu chọn, ai ép được. Vậy thì cứ tạm tin việc Quang Anh đăng quang bằng tin nhắn là chiến thắng của số đông.
Câu hỏi hai: Công văn của Sở GD&ĐT Thanh Hóa cứ cho là “mất tính hồn nhiên” (có thể rút kinh nghiệm sau), thì có ảnh hưởng đến kết quả không? Chắc là không. Đây cũng chỉ là một văn bản, một ý kiến của Sở, khán giả Thanh Hóa không bình chọn theo đề nghị thì ai biết, ai xử phạt. Chuyện đó diễn ra trong chiếc điện thoại, nơi được bảo vệ với quyền riêng tư cao nhất, ai giám sát được.

Câu hỏi ba: Nếu thấy thí sinh không xứng đáng, bạn có nhắn tin bình chọn không? Chắc là không. Trừ trường hợp, nếu không nhắn sẽ bị xử phạt, hoặc bị đe dọa tính mạng.
Vậy thì ở phía khán giả là: “không có vấn đề”. Vấn đề còn lại: Có sự sắp xếp của nhà tổ chức (như một số người nghi vấn)?
Quan trọng hơn cả, chúng ta cần lưu ý là đang nói chuyện liên quan một cậu bé, mà trong trường hợp này có thể đại diện cho thế hệ của cậu ta!
Một ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện các nhóm khán giả (nguời lớn) thích bé này, không thích bé kia và có những phát ngôn quá khích. Có những nhóm (có thể ức chế vì nhà đài, vì công văn kia, vì MC, vì bé mình yêu thích không được chọn…) đã lập hội tẩy chay Quang Anh. Không ít người dùng suy nghĩ của mình áp vào Quang Anh để phán xét và suy đoán nhiều điều lớn lao. Có người đã bắt bắt đầu nhòm ngó đến ngõ nhà Quang Anh (với sự yêu ghét cực đoan, cá nhân)…
Đây là trò chơi (cũng là cách kiếm tiền qua tin nhắn của nhà đài và các đơn vị phối hợp) mà người lớn bày ra. Nếu qua cuộc chơi, người lớn có tiền, bọn trẻ được vui lành mạnh thì là “tốt cả hai”. Nếu có vấn đề gì thì đó là lỗi của người lớn. Bọn trẻ đã cất cao tiếng hát, mang lại niềm vui cho chúng và cho xã hội, không có tội tình gì. Hằng ngày vẫn có những đứa trẻ chịu đau khổ bởi ông bố nát rượu, người mẹ vô tâm, những gia đình không êm ấm, hay cả bởi những tai ương…. Cả xã hội đang cố làm dịu những nỗi đau cho trẻ, mong mỏi chúng được cười, được hát. Giờ cả một sân chơi được ca tụng với nhiều ý nghĩa lại làm tổn thương bọn trẻ?
Trẻ con dễ bị tổn thương nhất và ai trong chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ.
"Ném đá" dồn dập một cậu bé để hả giận thì mang lại điều gì? Nếu có vấn đề trong tổ chức thì hãy xử lý khủng hoảng theo cách người lớn. Hơn hết, cần bình tĩnh và bao dung.
-----------------------------------------------

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :