Với sự phát triển một cách rầm rộ của các
chương trình truyền hình thực tế, một bộ phận giới trẻ đang bị cuốn theo
những thứ phù phiếm, những ánh hào quang ảo, những gì mang nặng tính
hình thức bên ngoài!?
Bài viết “Tôi đưa con đi thi The Voice Kids” của anh Lương Quốc Thái,
phụ huynh thí sinh Lương Thùy Mai tham dự cuộc thi The Voice Kids 2013
đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Bài viết có nội dung kể về hành
trình đưa con gái út của anh tham gia The Voice Kids, trong đó có rất
nhiều chi tiết thực tế “cười ra nước mắt”, cả những cảnh oái oăm “đoạn
trường ai có qua cầu mới hay”.
Bố nấu ăn chăm con thi The Voice kids
Nhưng đằng sau lối kể thực tế, sinh động và đầy hài hước ấy là chứa nhiều ẩn ý thú vị.
Bài viết này của anh Lương Quốc Thái đã lột tả được chuyện hậu trường
từ những chuyện lặt vặt nhất như bếp núc, cơm nước trong một cuộc thi âm
nhạc nhí đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt nhất của dư luận hiện
nay. Để cho các con được ăn mặc đẹp đẽ, lộng lẫy trên sân khấu thì phía
sau đó là hình ảnh những người cha, mẹ lặng thầm nấu ăn trong toilet
khách sạn.
Qua đó cũng thấy thêm rằng công nghệ sản xuất các chương trình truyền
hình ở Việt Nam còn nhiều điều đáng bàn và phía sau hào quang là những
điều rất thực tế nơi hậu trường.
Điều gây tranh cãi nhiều nhất trong bài viết này của anh Thái chính là
việc tại sao có những phụ huynh lại sẵn sàng đánh đổi với việc mất nhiều
thời gian, tiền bạc, công sức để đưa con đi thi những cuộc thi hát như
thế?
Trong bài viết của mình, anh Thái có đưa ra những điều “được” và “mất”
như là một lời nhắn nhủ với các ông bố, bà mẹ có ý định đưa con đi thi
nên cân nhắc lại hết sức tỉ mỉ.
Về phần “được”, anh Thái cho biết cái được đầu tiên là con anh được thể
hiện mình và bộc lộ năng khiếu; kế đến là được tiếp xúc và học từ HLV
để từ đó những năng khiếu tìm ẩn phát huy; và cái “được” nữa theo anh
Thái rằng: bé có thêm rất nhiều bạn bè và nhận được sự yêu thương của
rất nhiều người!
Nhưng cái “mất” cũng khá nhiều và thậm chí còn nhiều hơn những cái
“được”. Đầu tiên là: Các bậc làm cha làm mẹ tốn quá nhiều thời gian để
theo con. Kế đến, anh Thái cho biết cuộc thi chỉ đơn giản như là một
cuộc chơi, mà là một cuộc chơi đầy tốn kém; đó là chưa kể cuộc thi không
định hướng đào tạo âm nhạc cho các bé vào các top quan trọng. Cái "mất"
cuối cùng theo anh Thái đó chính là việc các bậc phụ huynh cũng như các
bé hẫng hụt vô cùng vì khi rời cuộc chơi (bị loại) thì Ban tổ chức
không hề có một động thái chia tay hay một lời động viên khích lệ…
Anh Lương Quốc Thái
Hẳn nhà tổ chức chương trình, công ty Cát Tiên Sa sẽ không thể nào vui
được qua những chia sẻ, trăn trở trong bài viết của anh Thái – một người
cha đưa con đi thi The Voice Kids. Bởi qua đó cho thấy trong khâu tổ
chức còn tồn tại quá nhiều bất cập.
Song, có một chuyện đáng suy ngẫm hơn qua câu chuyện này đó là phải
chăng xã hội của chúng ta đang chạy theo những giá trị ảo, những thứ phù
phiếm?!
Hiện nay, với sự phát triển một cách rầm rộ của các chương trình truyền
hình thực tế, một bộ phận người trẻ đang bị cuốn theo những thứ phù
phiếm, những ánh hào quang ảo, những gì mang nặng tính hình thức bên
ngoài.
Dễ thấy rằng, trong những cuộc thi mang tính giải trí như: The Voice,
The Voice Kids, Vietnam’s Next Top Model… hay những hoạt động mang tính
phù phiếm khác thì luôn nhận được sự quan tâm, nhắn tin bình chọn của
hàng chục, hàng trăm ngàn người trong các cuộc gia lưu, bình chọn.
Vừa qua, tại Bình Định diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9, hội
nghị này thu hút được 5 nhà bác học từng đoạt giải Nobel đến tham dự.
Các nhà khoa học cho biết, đây là một cuộc gặp gỡ mang tầm vóc toàn cầu
bởi ngay ở các nước phát triển cao nhất như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật...
cũng hiếm khi tổ chức được một cuộc hội nghị khoa học thu hút tới năm
nhà bác học đoạt giải Nobel như thế.
Giao lưu trực tuyến với các nhà khoa học quốc tế
Và trong khuôn khổ Hội nghị, một trang báo mạng của một tờ báo ngày nổi
tiếng đã phối hợp với Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam tổ chức buổi giao
lưu trực tuyến với các nhà khoa học quốc tế về chủ đề “Nuôi dưỡng tình
yêu khoa học”. Có thể nói buổi giao lưu trực tuyến này mang một ý nghĩa
to lớn khi có hầu hết các nhà bác học lừng danh tham gia.
Thế nhưng theo chia sẻ của Ban tổ chức buổi giao lưu thì có một điều
đáng buồn đã diễn ra là buổi giao lưu trực tuyến ấy chỉ nhận được khoảng
100 câu hỏi. Một nhà báo của tờ báo đó còn cho biết: “Được như thế là
lấy làm mừng vì chỉ sợ là ít hơn!”.
So sánh giữa giải trí và khoa học thì có vẻ khập khiễng vì bao giờ cũng
thế, giải trí thì dễ lôi cuốn người ta hơn là những vấn đề mang tính
khoa học khô khan. Nhưng sự chênh lệch khủng khiếp ấy trong sự quan tâm
của xã hội đối với hai lĩnh vực đã chỉ ra khá rõ một sự thật đáng lo
ngại rằng một bộ phận giới trẻ ngày nay đang bị cuốn theo nhưng giá trị
thấp trong cuộc sống, là những hào quang ảo, phù phiếm.
-----------------------------------------------