Trước nhịp sống hiện đại hối hả, bận rộn, việc dành thời gian ngồi đọc sách dường như quá xa xỉ đối với những người trẻ lười biếng.
Dạo qua những cửa hàng sách cũ trên đường Láng (Hà Nội), buổi sáng chủ nhật, chỉ xuất hiện vài bóng khách hàng tìm đến rồi lại phóng xe đi thẳng. Một chủ hiệu sách cũ cho biết, ngày trước, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, các cửa hàng sách cũ được coi là thiên đường tri thức, người đọc - người mua tấp nập, chật ních không có chỗ dừng chân, thì hơn 10 năm nay, dù các chủ cửa hàng sách chịu khó sưu tập phong phú, đa dạng các loại sách nhưng cũng không níu kéo người đọc tìm đến. Nhiều cửa hàng sách do kinh doanh ế ẩm đã phải chuyển đổi hình thức kinh doanh cà phê, quán ăn…
Đến thư viện trường ĐH KHXH&NV Hà Nội không khí vắng vẻ chẳng khác so với cửa hàng sách cũ. Cả một phòng thư viện rộng lớn, chỉ khoảng 2 – 3 sinh viên đang cặm cụi, lật giở những cuốn giáo trình chuyên ngành để làm khóa luận tốt nghiệp. Bạn Hoài Thanh chia sẻ: “Trước đây, mình cũng mê đọc sách, đặc biệt là sách văn học. Nhưng giờ học hành bận rộn, nên ít đọc sách hơn, chủ yếu đọc giáo trình để phục vụ học tập”.
Nhiều bạn trẻ cũng thừa nhận việc đọc truyện tranh, tiểu thuyết tình cảm, câu chuyện cuộc sống… dễ đọc và cuốn hút hơn so với việc cảm nhận một tác phẩm văn học.
Ảnh minh họa
Khi hỏi chung một câu hỏi “bạn có thói quen đọc sách hàng ngày không?” thì đa số các bạn trẻ trả lời là không. Lý do họ đưa ra là bận công việc, dành thời gian cho gia đình, lướt web, thích xem chương trình giải trí, nghe nhạc hơn là đọc sách.
Cũng có nhiều ý kiến so sánh việc đọc sách in và đọc sách điện tử (ebook) là vấn đề giá thành. Bạn Hùng (sinh viên năm thứ nhất ĐH Thương mại) giãi bày: “Mình thích đọc sách, nhưng mỗi lần ra cửa hàng sách Nguyễn Văn Cừ, ở quận Cầu Giấy, nhìn giá đủ giật mình. Một quyển sách hiện nay có giá từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn đồng. Mình là sinh viên, chi phí sinh hoạt hàng ngày còn phải ki cóp, lấy tiền đâu mua sách về đọc…”.
Anh Thành, chủ cửa hàng sách Xuân Thành (Hà Nội) cho biết: “Nhà anh cả 2 thế hệ đều kinh doanh sách cũ. Bố anh là người gây dựng lên cửa hàng từ đầu năm 2000, đến nay gia đình anh đã mở rộng được 4 cửa hàng tại đường Láng và đường Trần Quốc Hoàn. Thời điểm trước, việc kinh doanh của cửa hàng phát đạt. Nhưng những năm gần đây, kinh doanh sách cũ không giữ vị thế, giới trẻ có xu hướng đọc sách điện tử (ebook)”.
Thời kỳ công nghệ thông tin bùng nổ nên nhiều người chuộng đọc sách điện tử (ebook) bởi có nhiều tiện ích khi chỉ cần một chiếc ĐTDĐ thông minh kết nối internet là có thể tiếp cận với “ngân hàng” ebook khổng lồ chứa hàng trăm quyển sách, tạp chí, báo chí. Đọc ebook đang là trào lưu của giới trẻ, họ có xu hướng đọc theo cách "mì ăn liền", đọc nhanh, đọc ngắn và ít có thời gian suy ngẫm dẫn tới loãng về kiến thức.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng này là do chúng ta chưa xây dựng được một nền văn hóa đọc. Từ bậc tiểu học, trung học phổ thông đến ĐH, việc rèn luyện cho học sinh có thói quen đọc sách, hướng dẫn lựa chọn sách, cách đọc sách còn ở bề nổi, chưa chú trọng về công tác giáo dục chiều sâu. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của văn hóa nghe – nhìn, kéo họ xa rời văn hóa đọc. Vì vậy, vấn đề đặt ra là các nhà hoạch định giáo dục cần phải xây dựng đề án về văn hóa đọc ngay tại các trường, để có thể lan tỏa tri thức đến từng đối tượng học sinh, sinh viên, xây dựng nền tảng giáo dục vững chắc cho thế hệ tri thức mới.-----------------------------------------------------------
Tags : Xem diem thi