Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Cần "cách mạng" toàn diện ở bậc học phổ thông

Thay đổi tư duy để nhận thức chính xác, rõ ràng hơn về nhiệm vụ của ngành giáo dục và để hiện thực hóa thì cách dạy, cách học, cách thi cử cũng phải thay đổi tận gốc.
Câu chuyện vui về em bé về nhà ôn bài luôn miệng ê a “rắn là  loài bò, rắn là loài bò…sát không chân, sát không chân” lâu nay vẫn được xem là một ví dụ điển hình cho cách học bị động, học vẹt, cách dạy giáo điều, một chiều.
Ảnh minh họa
Thay đổi cách dạy, học và thi cử
Để thay đổi cách truyền thụ kiến thức theo kiểu thụ động này, theo GS. Văn Như Cương, trước tiên phải thay đổi cách dạy, tức là bản thân các thầy, cô phải thay đổi cách truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Thay vì lối dạy "độc thoại" như hiện nay, các thầy cô chỉ cần nêu vấn đề, gợi mở vấn đề sau đó khuyến khích các em bày tỏ ý kiến, đánh giá, nhận xét của cá nhân mình. Như thế, học sinh mới thực sự là trung tâm của quá trình dạy-học chứ không phải thầy cô giáo. Có như vậy kiến thức mới thực sự là của các em.
Bên cạnh đó, GS. Hoàng Tụy cho rằng cần đổi mới căn bản tư duy thi tốt nghiệp và tuyển sinh. Theo GS. Hoàng Tụy, “không nên xem kết quả thi tốt nghiệp THPT là căn cứ đánh giá đầy đủ quá trình học tập 12 năm, điều đó thiếu công bằng, không phản ánh đúng kết quả thực tế và gây căng thẳng, tốn kém cho toàn xã hội”.
Ông cho rằng cần coi mỗi môn, mỗi học phần như một "module"; học xong môn nào, học phần nào phải kiểm tra (thi) ngay môn đó, đến cuối cấp không thi lại từng môn, từng học phần nữa mà chỉ phải làm một tiểu luận hoặc qua một kỳ thi nhẹ nhàng, với mục đích chủ yếu kiểm tra trình độ văn hóa phổ quát (giống như kiểm tra chất lượng lắp ráp các module trong nhà máy).
Hơn nữa, kỳ thi nhẹ nhàng này cũng có thể không bắt buộc cho mọi học sinh mà có thể coi như một kỳ thi sơ tuyển vào đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), chỉ bắt buộc đối với những ai muốn thi vào ĐH, CĐ. Còn việc tuyển sinh vào ĐH, CĐ thì cần trả lại cho từng trường. Mỗi trường khi tuyển sinh căn cứ vào  kết quả thi sơ tuyển và học bạ hoặc qua một kỳ thi tuyển nếu trường nào có yêu cầu đào tạo đặc biệt.
Song song với việc đổi mới cách dạy, cách thi cử thì việc xây dựng một chương trình học phổ thông phù hợp là điều cần thiết.
Nhiều giáo sư cho rằng chương trình phổ thông 12 năm như hiện nay là nặng nề và lãng phí. Tuy nhiên, chúng ta không thể giảm tải theo kiểu cắt xén kiến thức mà thay vào đó, cần cải tổ hệ thống giáo dục phổ thông theo cách chấm dứt phương pháp giáo dục đồng loạt, quá nặng với số đông lại quá nhẹ với số có khả năng.
GS. Văn Như Cương dẫn chứng, đối với học sinh THPT, chương trình học 14 môn là quá nặng vì trong đó có những môn không giúp ích gì cho các em trong việc chọn trường, chọn nghề và trong thực tiễn cuộc sống sau này.
Chẳng hạn như những em chọn ngành ngân hàng, tài chính, văn học, xã hội học, báo chí, quản trị kinh doanh thì các môn Sinh học, Hóa học, Vật lý không để làm gì. Ngay cả với sinh viên chuyên ngành tự nhiên về khoa học công nghệ thì yêu cầu giải các phương trình logarite cũng là quá chuyên sâu, quá hàn lâm và kiến thức không được sử dụng trong công việc sau này.
Rồi với những em chủ đích học nghề sau khi tốt nghiệp THPT thì lại càng không nên bị ép buộc học về khai căn, lịch sử thế giới, phân tích địa lý kinh tế, phân tích bình luận tác phẩm văn học kinh điển... do không thiết thực.
“Chúng ta đề cao việc đào tạo toàn diện, nhưng các cụ đã nói nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, nên việc bắt các em học dàn đều rồi mỗi thứ biết một chút nhưng thực ra không nắm được gì cả thì hiệu quả thu được sẽ chỉ là con số không”, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhận xét.
Giảm thời gian bậc học phổ thông
GS. Hoàng Tụy, GS. Văn Như Cương cũng như nhiều ý kiến khác cho rằng nên rút ngắn cấp THPT xuống còn 11 năm. Trong đó, cấp Tiểu học và THCS vẫn giữ nguyên 9 năm, Còn THPT thì chỉ nên còn 2 năm và tiến hành phân hóa triệt để các em học cái gì mình cần học nghề hay học đại học.
Trong cách dạy và học mới sẽ lấy học sinh là trung tâm. Ảnh minh họa
Đồng thời, để có một chương trình học phù hợp với cách dạy-học mới, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng “cần bỏ chương trình phân ban bất cập hiện nay, tổ chức lại việc học theo hướng mỗi môn học đều có một chương trình bình thường và một hoặc nhiều chương trình nâng cao, theo nhiều mức độ nâng cao khác nhau, cho phép học sinh tự do lựa chọn chương trình nào hợp sức và hợp sở thích, đồng thời dễ dàng điều chỉnh sự lựa chọn khi thấy cần thiết”.
Với cách học đó, học sinh trung học hướng nghiệp và THPT đều không bị quá tải, vì được học sâu những môn ưa thích và không phải học quá kỹ nhiều thứ mà sau này chẳng bao giờ cần đến.
Đó mới là cách thực tế và hiệu quả giảm tải ở cấp học phổ thông để giải quyết mâu thuẫn vừa giảm tải vừa không ảnh hưởng đến chất lượng. Hơn nữa với những môn học hợp với xu hướng sở thích, học sinh có cơ hội được học đủ sâu để sau khi tốt nghiệp, có đủ hiểu biết tìm được việc làm và nếu xuất sắc thì khi học tiếp lên ĐH hay CĐ có thể học vượt lớp, tiết kiệm thời gian.
“Như vậy sẽ tránh được lãng phí cho cả xã hội lẫn cho từng cá nhân học sinh, bởi lẽ từ 15-18 là độ tuổi vàng, nhiệm vụ của nhà trường là tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển đến mức tối đa của mình, chứ không phải chỉ nhằm bảo đảm cho mọi cá nhân một mức tối thiểu đồng loạt như cách dạy hiện nay ở THPT”, GS. Hoàng Tụy nói. 
Nền giáo dục Việt Nam hiện cần nhiều thay đổi. Tuy nhiên, cải tổ chương trình học, thay đổi cách học, cách dạy, cách thi cử là những vấn đề phải được quan tâm hàng đầu.
GS. Văn Như Cương tin rằng nếu chúng ta quyết tâm đổi mới một cách đồng bộ, thực chất, chắc chắn chất lượng dạy và học sẽ có những thay đổi căn bản theo hướng một nền giáo dục thực chất, khoa học và hiện đại.
-----------------------------------------------

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :