Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

“Cắt” thi đua nếu tỉ lệ tốt nghiệp cao: “Cách để hạn chế tiêu cực”?!

Tại hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 vừa được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Phạm Vũ Luận đã thông báo một quyết định của Bộ: “Toàn ngành giáo dục đã quyết định tỉ lệ tốt nghiệp THPT không được vượt quá tỉ lệ tốt nghiệp những năm trước”.
Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ÐT TP HCM, bày tỏ ý kiến về việc “cắt” cờ thi đua của ngành giáo dục TP HCM. Ông thắc mắc: “Ðề nghị hội đồng thi đua của Bộ lý giải vì sao cắt cờ thi đua của ngành giáo dục TP HCM - đơn vị duy nhất đạt 14/14 chỉ tiêu thi đua. Có phải vì lý do tỉ lệ tốt nghiệp của TP HCM cao hơn năm trước 0,76%?”.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời: “Những năm qua, Bộ đã áp dụng nhiều giải pháp khác nhau nhằm chống tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như đưa thanh tra của Bộ GD-ĐT về cắm chốt, chấm chéo, thi theo cụm, nhưng nơi này nơi kia vẫn xảy ra tiêu cực.
Nhiều năm nay bộ quyết tâm khắc phục tiêu cực thi cử, chỉ đạo mỗi năm càng quyết liệt. Tỉnh thành nào có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp quá cao hoặc cao hơn năm trước thì bị hạ một bậc thi đua”.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Bộ GD-ĐT đang áp "trần" cho tỉ lệ đỗ tốt nghiệp?!
Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ÐT Phạm Vũ Luận cho biết: Thống kê cho thấy tỉ lệ tốt nghiệp THPT hiện nay còn xa với thực tế. Trước khi đi đến quyết định giao quyền chủ động tổ chức thi tốt nghiệp cho các tỉnh thành (năm học 2011-2012 - PV), Ban cán sự Ðảng, lãnh đạo bộ và 63 giám đốc sở đã có cuộc họp tuyệt mật và đi đến quyết tâm chiến lược là phải trung thực với dân, với Ðảng. Hội nghị đã thống nhất quyết tâm tỉ lệ tốt nghiệp không được vượt quá tỉ lệ tốt nghiệp của những năm trước đó.
Ðể chứng minh quan điểm của Bộ là có cơ sở, Bộ trưởng còn đưa ra dẫn chứng: “Chúng tôi đã chấm phúc tra 17.000 bài thi của 16 tỉnh thành trong kỳ thi tốt nghiệp năm ngoái. Kết quả: có sai phạm rất lớn ở những tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng. Coi thi không nghiêm túc, nhiều bài thi giống nhau ở những sai sót rất ngớ ngẩn, chấm thi không chính xác, sai lệch không chấp nhận được. Sắp tới Bộ sẽ tiếp tục rút bài thi của 63 tỉnh thành để chấm phúc tra, đặc biệt là các tỉnh có tỉ lệ tốt nghiệp tăng lên”.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Tỉ lệ quá cao của năm trước đã không thực chất thì việc tiếp tục tăng thêm nữa vào năm sau càng thể hiện sự thiếu quyết tâm “thi thực chất”. Bởi vậy, bàn bạc trao đổi và thống nhất không tăng tỉ lệ tốt nghiệp là việc không vô lý.
Việc tăng tỉ lệ tốt nghiệp không tương xứng với thực tế, để xảy ra tiêu cực thì hạ thi đua là cần thiết. Trong khi tỉ lệ tốt nghiệp của cả nước và hầu hết các tỉnh, thành đều giảm mà lại có vài tỉnh, thành tỉ lệ tốt nghiệp tăng lên, mặc dù năm trước cũng đã “cao ngất ngưởng” thì có đáng phải suy nghĩ không?”.
Và vì thế, nghiễm nhiên ngành giáo dục của TP HCM, mà ở đây là Sở GD-ĐT TP HCM đã trở thành đối tượng đầu tiên của biện pháp hạn chế tiêu cực trong thi cử của Bộ GD-ĐT.
Có lẽ, hiếm có nền giáo dục của quốc gia nào lại bị khống chế “trần” tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT như ở Việt Nam. Và có lẽ cũng không có nơi nào “cào bằng” chất lượng giáo dục để “cả làng cùng vui” như Bộ GD-ĐT. Với quy định này, Bộ GD-ĐT đã nghiễm nhiên “làm xiếc” với tỉ lệ thi tốt nghiệp, đã “cắt ngọn” tất cả những tỉnh, thành có tỉ lệ đỗ cao để chứng minh cho xã hội thấy các biện pháp chống tiêu cực, chống bệnh thành tích đã phát huy tác dụng.
12 năm đèn sách gian khổ để rồi "cào bằng" chất lượng?
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT là kết quả phản ánh trung thực nhất tình hình học hành của một lứa học sinh sau 12 năm đèn sách. Bởi vậy nó không thể đều chằn chặn như những viên gạch đúc cùng một khuôn, phải có năm thấp, năm cao tùy theo học lực của từng lứa học trò và tùy theo đề thi mà Bộ GD-ĐT đưa ra.
Càng ngày, xã hội càng bày tỏ sự thất vọng và thiếu niềm tin vào ngành giáo dục nước nhà. Người xưa đã có câu: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý”, thế nhưng ngay cả những vị lãnh đạo của ngành giáo dục cũng đang “bất tri lý”, thử hỏi các bậc phụ huynh làm sao dám toàn tâm gửi gắm tương lai con em mình?
Cứ nhìn vào cái cách Bộ GD-ĐT điều hành và “kiềm chế” ngành giáo dục thế này, đừng hỏi tại sao mỗi năm lại càng thấy xã hội một tồi tệ đi. Học sinh học vì điểm giả, giáo viên dạy vì thành tích giả, Sở chỉ đạo tỉ lệ đỗ hay trượt, Bộ lấy yếu tố thành tích làm đầu, những nhân cách bị bóp méo, tri thức và học vấn bị đánh tráo bằng những trò mèo. Một nền giáo dục như vậy, sao có thể sinh ra người tài, sao có thể dung dưỡng những tâm hồn cao thượng, càng không thể hi vọng “mang chuông đi đánh xứ người”?
Thêm vào đó, mới đây Sở GD-ĐT Hà Nội đã trình HĐND-UBND TP Hà Nội về mô hình “trường công lập chất lượng cao” – một biện pháp nhằm hợp thức hóa hình thức “lớp VIP” của năm 2012. Với mức học phí từ mầm non đến THPT “cao ngất” từ 3 – 3,5 triệu/tháng, có lẽ các thầy cô sẽ dạy cho trẻ biết thế nào là sự khác biệt giàu – nghèo và giá trị tuyệt đối của hiện kim.
Nếu không có thắc mắc đến độ bức xúc của Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, có lẽ xã hội không bao giờ biết rằng các Sở GD-ĐT của 63 tỉnh thành còn lại đã bắt tay nhau để khống chế tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT một cách vô lối như vậy. Như vậy sao còn dám bắt xã hội, phụ huynh và học sinh tin tưởng vào đường lối giáo dục của mình?
-----------------------------------------------

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :