Một người bạn công tác ở Cần
Giờ, TP.HCM báo tin mấy ngày nay người dân xã đảo Thạnh An của huyện Cần
Giờ vui mừng hết cỡ. Hỏi có chuyện gì mà vui mừng, đáp vì UBND TP.HCM
vừa có quyết định từ năm học 2013-2014 sẽ miễn 100% học phí cho con em
các gia đình đang cư ngụ tại xã đảo Thạnh An theo học trung cấp nghề,
trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học công lập tại TP.HCM.
Người bạn nói đối với người dân xã đảo
này, gánh nặng học phí là quá sức chịu đựng của nhiều gia đình quanh năm
chỉ biết sống bằng nghề mò cua bắt ốc. Cho nên chủ trương trên đã kéo
không ít con em họ ra khỏi cảnh thất học.
Trên cả nước còn nhiều nơi khó khăn,
thậm chí khó khăn hơn xã đảo Thạnh An của TP.HCM. Ở những nơi này, người
dân cũng gặp không ít khó khăn về gánh nặng học phí. Thực tế cho thấy,
trẻ em bỏ học thường rơi vào các gia đình nghèo. Cũng do không được học
hành tới nơi tới chốn nên cuộc sống tương lai của các em này tiếp tục
gặp phải nghèo khó. Cái vòng lẩn quẩn nghèo-thất học-nghèo bao đời khó
thoát ra được.
Bên cạnh niềm vui riêng của người dân
Thạnh An, người dân các nơi khác lại có nỗi lo chung. Đó là đầu tháng
7.2013, nhiều địa phương rục rịch đề xuất tăng học phí các cơ sở giáo
dục công lập. Tại TP.HCM, theo tờ trình của UBND TP, mức học phí mới sẽ
không vượt quá 5% thu nhập bình quân hộ gia đình và được áp dụng từ năm
học 2013-2014, sau đó điều chỉnh tăng dần trong các năm học sau theo chỉ
số giá tiêu dùng tăng bình quân hằng năm.
Đối với các gia đình thuộc diện công
nhân, viên chức hành chính, người lao động nghèo thành thị, nông dân làm
thuê…, học phí của con em họ luôn là nỗi lo canh cánh bên lòng. Nhưng
đã hết đâu, ngoài học phí các phụ huynh còn phải đóng góp thêm nhiều
khoản khác cho nhà trường, trong đó có những khoản dưới tên gọi “tự
nguyện”. Ngoài ra, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay mà
học phí cũng chiếm tỉ lệ không nhỏ trong chi tiêu của các gia đình.
Trong thực tế, đồng lương, thu nhập của
các đối tượng kể trên tăng không đáng kể so với giá cả sinh hoạt. Việc
kiếm ra đồng tiền của họ cũng không dễ trong thời buổi nền kinh tế trong
nước chưa thoát khỏi suy thoái, khủng hoảng. Mặt khác, sự phân hóa giàu
nghèo ngày mỗi gia tăng, cơ hội học tập của con em họ so với các thành
phần xã hội khác bị thu hẹp. Nguy cơ thất học của con em họ vì vậy càng
gia tăng, có nghĩa là hi vọng thoát nghèo càng trở nên bấp bênh hơn.
Ngày nay, thế giới ý thức được rằng giáo
dục là phương tiện thiết yếu để thoát nghèo. Bởi vậy giáo dục- đặc biệt
là giáo dục phổ thông- được hầu hết các quốc gia thực hiện chế độ miễn
phí. Thậm chí ở một số nước, trẻ em còn được hỗ trợ kinh phí, sách vở để
đến trường.
Ở nước ta, Điều 10 Luật Giáo dục ghi rõ:
“Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ,
nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ
hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo
điều kiện để ai cũng được học hành”. Tuy vậy, do hoàn cảnh lịch sử, đất
nước còn nhiều khó khăn nên Nhà nước mới đặt ra chế độ thu học phí, trừ
cấp tiểu học. Như vậy, việc thu học phí ở bậc phổ thông chỉ mang tính
giai đoạn, chứ không phải là một chủ trương xuyên suốt.
Về lâu dài, song song với nền kinh tế
phát triển, chủ trương thu học phí ở bậc phổ thông sẽ dần được bãi bỏ.
Đó là ý chí và nguyện vọng của chính quyền và người dân. Tuy nhiên, một
câu hỏi lớn đặt ra là nếu bỏ thu học phí thì lấy gì để bù vào khoản thu
này? Theo chúng tôi, để tạo nguồn ngân sách giáo dục đảm bảo cho bậc học
phổ thông hoạt động thông suốt, hiệu quả, chất lượng có lẽ cần học cách
làm của các nước quanh ta. Ở các nước, ngoài nguồn thuế mà mọi công dân
phải có trách nhiệm đóng góp, Nhà nước còn quy định nghĩa vụ đóng góp
của các tập đoàn, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… Vì chính
họ là người trực tiếp hưởng lợi từ nền giáo dục mang lại.
Tóm lại, giáo dục là lợi ích công, được
cung cấp rộng rãi cho mọi người, không phân biệt giàu nghèo. Sự công
bằng trong giáo dục là nền tảng để xã hội phát triển bền vững.
-----------------------------------------------