Hồi hộp, bồn chồn đợi giấy báo đậu đại học, niềm mơ ước của biết bao bạn trẻ. Nhưng rồi cũng có những người không được như ước nguyện, dẫn tới tâm lý hụt hẫng, chán nản muốn buông xuôi tất cả. Thậm chí có một số bạn còn rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trong thời gian dài...
Tiếng nói của những người trong cuộc
"Đã biết bao lần em đọc những bài báo, câu chuyện nói về tâm trạng của người thi rớt đại học.
Lúc đó em cũng chỉ thấy mọi chuyện thật đơn giản, đâu tới nỗi nghiêm
trọng như báo chí viết. Nhưng giờ đây, khi chính bản thân mình rơi vào
hoàn cảnh như vậy em mới thật sự đồng cảm, thấm thía. Em cũng không định
nghĩa được tâm trạng em lúc này nữa, dường như mọi thứ trong em đều rối
tung
lên, đầu óc trống rỗng, cơ thể mệt mỏi.
Bao ngày nay từ khi nhận được kết quả em chỉ biết trốn và khóc... Xin
thầy cô cho em một lời khuyên!", đó là tâm sự nức nở của T.A. (ngụ TP.
Vũng Tàu). T.A. là một trong những thí sinh kém may mắn khi kết quả thi
không phản ánh đúng năng lực học tập, và kỳ vọng của gia đình họ hàng
vào em cũng rất lớn.
Thí sinh xem kết quả thi đại học. (Ảnh Thanh Thắng)
Trường hợp của A.K. (ngụ TP.HCM) thì còn khó tin và khá đau lòng hơn
nữa khi em lại chọn biện pháp đi "phượt" bụi để khuây khỏa tinh thần khi
không đậu đại học. Thật đáng tiếc cho em là trong thời gian này em gặp
và bị một số bạn bè xấu dụ dỗ dính vào một vụ ngộ sát khi tham gia vào
một vụ ẩu đả tập thể. Để bây giờ em đang phải nằm trong trại tạm giam
hối hận về những gì mình đã làm.
Chị Khánh M., mẹ của A.K. khóc hết nước mắt và rơi vào trạng thái trầm
cảm nặng, suốt ngày nhắc đi nhắc lại: "K. nó ngoan lắm, lỗi tại vợ
chồng tôi, cứ bắt ép cháu phải thi đậu đại học. Nếu nhà tôi không tạo áp
lực quá lớn như thế, thông cảm với con thì giờ nó đâu có ra nông nỗi
này...".
Cả nhà bạn Minh Tâm thì cùng tới văn phòng tư vấn tâm lý để giải quyết
khúc mắc khi mỗi người một ý trong chuyện chọn hướng đi tiếp theo cho
Minh Tâm khi không đậu đại học. Ba thì nhất quyết "tống" bạn đi du học,
mẹ thì muốn bạn ôn thi một năm nữa để thi lại đại học, trong khi Minh
Tâm thì "sao cũng được". Khi chuyên viên hỏi bạn tại sao lại có tư tưởng
như thế thì bạn thú nhận là chẳng biết nên làm gì nữa, thật sự em chỉ
muốn học một trường nghề phù hợp với năng lực của em thôi, chứ như lời
ba mẹ em nói thì em tự thấy mình không đủ khả năng. Em có cảm giác như
cha mẹ chỉ làm cho hết trách nhiệm của mình chứ không cần biết em muốn
gì, riết rồi em cũng chán nản.
Một tình huống không còn gì mới, nhưng năm nào cũng vậy, tại các văn
phòng tư vấn tâm lý giáo dục tiếp nhận một ngàn lẻ một câu chuyện về các
sĩ tử không thi đậu đại học là rơi vào những tình huống như: Chán đời
không biết làm gì tiếp theo, xa lánh thế giới xung quanh, theo bạn xấu,
khủng hoảng tâm lý, mất kiểm soát dẫn tới những hành vi đáng tiếc, thậm
chí có bạn trẻ còn tự tử... Ngoài ra còn có những chuyện dở khóc dở cười
như có quá nhiều sự lựa chọn nên cuối cùng không biết chọn con đường
nào...
Liệu pháp tinh thần
Tâm trạng thất vọng, chán chường của các bạn trẻ khi thi rớt đại học
là điều có thể hiểu được. Trong những thời điểm này, các chuyên gia tâm
lý giáo dục đều đồng ý rằng trước tiên phải đồng hành để giúp các bạn
vượt qua cú sốc đầu đời. Với nhiều bạn trẻ, nếu không kịp thời động viên
chia sẻ tích cực thì rất có thể sẽ để lại cho họ những di chứng tâm lý
nặng nề. Thi đại học là một cơ hội lớn để họ khẳng định bản thân, là một
bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Vì vậy khi bị thất bại thì họ sẽ rất
dễ mất niềm tin vào chính bản thân.
Tiến sĩ Nguyễn Công Thoại.
Đừng nên duy ý chí về việc phải có bằng đại học
Tiến sĩ Trần Bảo Nam, Phó giám đốc trung tâm dạy nghề An Tiến
(TP.HCM) cho biết, mặc dù đã có sự thay đổi tư duy nhất định của các bậc
phụ huynh và các bạn trẻ trong việc chọn ngành chọn nghề. Nhưng vẫn còn
tồn tại nhiều luồng tư duy trái chiều. Điều này dẫn tới sự sai lệch
trong việc hoạch định tương lai của khá nhiều bạn trẻ. Đừng nên duy ý
chí quá về việc phải có bằng đại học thì mới là tốt. Thậm chí tôi thấy
một số trường hợp phụ huynh và các em đặt mục tiêu thi đậu đại học vì
hình ảnh, sĩ diện gia đình nhiều hơn là việc xem nó có phù hợp
với các em không. Những tư duy như vậy nên được gạt bỏ và tích cực hơn
nữa thì phụ huynh và các em mới có thể đưa ra những sự lựa chọn sáng
suốt được.
|
Chuyên viên tư vấn Huỳnh Lan, đài 1080 chia sẻ: "Thật khó để nói rằng
những chuyện này không sao đâu, cứ vui vẻ đi, còn nhiều cơ hội nữa... vì
trong quá trình nói chuyện với các bạn như vậy tôi cảm nhận rằng những
từ ngữ đó là sáo rỗng với họ trong thời điểm này. Tôi nghĩ, những chuyên
viên tốt nhất trong lúc này chính là cha mẹ, gia đình, thầy cô của các
bạn. Sự cảm thông, tinh thần tích cực của chính những người xung quanh
mới là liều thuốc hiệu quả.
Nhiều trường hợp tôi cảm thấy xót xa khi có nhiều bạn dường như đang
bị rơi vào tình thế bị cô lập. Khủng hoảng niềm tin của chính bản thân
là điều dễ hiểu, nhưng để họ bị khủng hoảng niềm tin với cả thế giới
xung quanh thì nên xem lại thái độ, trách nhiệm của cha mẹ, gia đình".
"Có độ vênh trong nhu cầu của các bạn trẻ và tư tưởng của cha mẹ", đó
là nhận xét của chuyên viên tâm lý giáo dục Hứa Yến Linh. Chị tâm sự:
"Lắng nghe con là kỹ năng còn thiếu với một số phụ huynh hiện nay. Chỉ
dẫn định hướng cho con là điều cần thiết và nên làm, tuy nhiên nó sẽ
không mang lại hiệu quả nếu thiếu một yếu tố quan trọng là nhu cầu của
con em mình. Rất nhiều trường hợp rơi vào tình trạng không lối thoát vì
cha mẹ vô tình cho con một suy nghĩ sai lầm là con đường học đại học là
lựa chọn duy nhất".
Đi tìm “gốc” của bệnh
Thạc sỹ tâm Lý Phan Công Hậu, chuyên viên nghiên cứu phát triển nhân
lực, bộ GD&ĐT cho biết: "Hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực thực tiễn
của đất nước còn đang thiếu nhiều trong những ngành kỹ thuật, được đào
tạo bởi các trường nghề hay các trung tâm dạy nghề. Vì vậy "cửa sống"
của các bạn rất nhiều, không nhất thiết phải có bằng đại học thì mới vào
đời được. Vừa học vừa làm hay học liên thông từng giai đoạn cũng là
những giải pháp tốt với nhiều bạn trẻ. Hay một số bạn thì lựa chọn con
đường du học, đó cũng là một giải pháp tốt nếu năng lực các bạn trẻ
phù hợp va điều kiện gia đình cho phép.
Vấn đề là phụ huynh và chính các bạn hãy tìm ra phương án nào phù hợp
nhất với hoàn cảnh của gia đình và nhu cầu của xã hội. Thực tế có nhiều
người vẫn thành công khi đi theo những con đường này, ngược lại có những
người chật vật khi cầm tấm bằng đại học. Có nhiều yếu tố để dẫn tới
những kết quả này, tuy nhiên nguyên nhân sâu xa của nó chính là việc phụ
huynh và các bạn không tìm ra được điểm chung giữa năng lực bản thân,
hoàn cảnh gia đình và nhu cầu của xã hội".
Thạc sỹ Phan Thị Kim Huyền, chuyên gia tư vấn trung tâm tham vấn tâm
lý gia đình và trẻ em Tâm Lý Việt chia sẻ: "Vấn đề này hàng năm vẫn còn
trở nên rối ren là vì chúng ta chưa chữa bệnh được tận gốc. Đặc biệt
trong đó là chuyện hướng nghiệp cho các bạn trẻ, giúp các bạn và gia
đình có những nhìn nhận và lựa chọn đúng đắn. Khi nhận được lời khuyên
khách quan của các chuyên gia và sự thống nhất của gia đình thì các bạn
trẻ sẽ tránh được những giai đoạn khó xử như trên.
Việc hướng nghiệp cho con em nên được tiến hành càng sớm càng tốt,
điều này sẽ giúp các em vững tin vì sự lựa chọn của tương lai, gia đình
an tâm để đầu tư cho con em và nền giáo dục của chúng ta cũng bớt đi
gánh nặng khi phải gồng mình để đào tạo nhân lực chưa hiệu quả, như tình
trạng "thừa thầy thiếu thợ" chẳng hạn.
-----------------------------------------------