Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

Đổi mới căn bản hệ thống giáo dục: Giáo viên phải “lĩnh ấn” tiên phong

Ngày 15-7, tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về dự thảo báo cáo kết quả giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông”. 



Đổi mới toàn diện, cơ bản nền giáo dục - đòi hỏi của cuộc sống


Qua giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giáo dục phổ thông, Đoàn giám sát của QH đã chỉ ra: Chương trình giáo dục còn nhiều hạn chế. Phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chưa phát huy tốt được tính sáng tạo, năng lực thực hành, khả năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng sống của học sinh. Trong khi đó, quản lý nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, đổi mới chậm. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ, cụ thể, khả thi và chưa hoàn chỉnh. Một số chính sách về giáo dục chưa phù hợp với thực tế, thiếu sự đồng thuận của xã hội…

Tại hội nghị, nhiều giải pháp đưa ra nhằm đổi mới căn bản nền giáo dục nước nhà. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng của QH, bà Trần Thị Tâm Đan cho rằng, cần có sự đổi mới về quan điểm giáo dục phổ thông, nhận thức đúng về vai trò, vị trí của giáo dục phổ thông là giáo dục nền tảng, với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách con người. Đặc biệt, việc triển khai thay SGK sau năm 2015 cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũng như bồi dưỡng giáo viên về chương trình, SGK mới. Đây là những điều kiện tối thiểu, cơ bản đảm bảo cho sự thành công của việc đổi mới chương trình, SGK mới. 

Đổi mới chương trình phải bắt đầu từ những người làm công tác giáo dục, Phó hiệu trưởng Trường CĐSP Hà Nội TS Bùi Văn Quân nêu vấn đề. Theo ông Quân sở dĩ chất lượng giáo dục thấp vì hoạt động đào tạo của trường sư phạm chưa thực sự theo kịp với nhịp sống sôi động của giáo dục phổ thông. Điều này thể hiện rõ ở các khía cạnh như: giáo trình lý luận dạy học đại cương, lý luận dạy học bộ môn của các trường sư phạm còn chậm đổi mới (nếu không muốn nói là quá lạc hậu); không nhiều giảng viên các trường sư phạm (đặc biệt là giảng viên giảng dạy tâm lý giáo dục và lý luận giảng dạy bộ môn của các trường Đại học sư phạm) tham gia các chương trình bồi dưỡng về phương pháp dạy học do Bộ GD-ĐT tổ chức. Tóm lại những người làm sự nghiệp trồng người tại các trường sư phạm chưa thực sự đi tiên phong trong lĩnh vực đổi mới phương pháp dạy học, ông Quân nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm lấy hệ thống các trường Đại học Sư phạm là nòng cốt tiên phong trong đổi mới giáo dục GS. TS Nguyễn Đình Hương cũng cho rằng, đổi mới chương trình, SGK phổ thông phải lấy hệ thống các trường sư phạm làm nòng cốt. Đây là việc làm cần thiết, không để các trường sư phạm đứng ngoài cuộc.

Ở một góc nhìn khác GS. TS Nguyễn Đức Chính, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đề xuất: Dù lấy đối tượng dạy học, mục tiêu dạy học làm điểm xuất phát nhưng đổi mới phải lấy người học làm trung tâm. Cần thừa nhận một chân lý học sinh chính là chủ thể của quá trình kiến tạo kiến thức, kỹ năng, năng lực cho bản thân họ, bằng cách  họ mong muốn và theo một lộ trình mà họ có thể. Trong xã hội hiện đại, ai cũng có nhu cầu được học, nhưng không ai học hộ  được ai. Một nền giáo dục lành mạnh sẽ tạo mọi điều kiện, giúp đỡ, hỗ trợ để mỗi học sinh thực hiện được nhu cầu đó một cách tốt nhất.
-----------------------------------------------  

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :