Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014

800 tỷ để đổi mới sách giáo khoa là quá nhiều?

"Số tiền gần 800 tỷ đồng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán theo tôi chỉ khoảng 200 tỷ đồng, nhiều lắm thì cũng chỉ 300 tỷ đồng thôi"- PGS Văn Như Cương nhận định.

PGS Văn Như Cương.
Đổi mới sách giáo khoa (SGK) là một trong những bước căn bản để đổi mới toàn diện nền giáo dục của nước ta. Bên cạnh đánh giá tốt về phương án, cách thức triển khai của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì theo nhiều chuyên gia giáo dục, để đạt được mục đích cùng của đề án, vẫn cần phải thảo luận kĩ hơn về kinh phí, thời gian thực hiện để sao cho phân bổ nguồn ngân sách và thời gian của Nhà nước cũng như xã hội một cách hợp lý nhất. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương, Nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội về việc đổi mới SGK.
Để đổi mới căn bản và toàn diện chương trình SGK, Bộ GD&ĐT cần gần 800 tỉ đồng. Theo PGS, con số này đã hợp lí hay chưa?
Tôi đã từng là người trong cuộc tham gia viết SGK cho Bộ 3 lần nên tôi biết, con số 800 tỉ hiện nay vẫn còn nhiều. Theo kế hoạch chương trình tổng thể mà Bộ vừa trình Quốc hội ngày 26-9 vừa qua, chương trình 5 năm tiểu học– 4 năm trung học cơ sở- 3 năm trung học phổ thông đã được ấn định. Theo tính toán của tôi, nếu cứ mỗi lớp học học bao nhiêu tiết/tuần nhân lên 35 tuần thì tổng số tiết học phải viết sách toàn bộ từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ vào khoảng 10.000 tiết.
Từ những ngày đầu tiên tôi tham gia viết SGK Bộ chi trả 200.000– 250.000 đồng/tiết, sau là 300.000-500.000 đồng/tiết. Theo thời giá bây giờ, có lẽ chi phí cho một tiết học nhiều nhất sẽ vào khoảng 1 triệu đồng/tiết. Hiện tại chưa nói là ai viết, chỉ tính riêng kinh phí phải trả cho tác giả viết sách sau khi hoàn thiện chương trình sẽ là 1.000.000 đồng nhân với 10.000 tiết. Ta sẽ được con số 10 tỷ đồng để viết 1 bộ SGK. Bên cạnh SGK đó sẽ còn có công tác biên tập, thẩm định… Như vậy cứ cho rằng thêm 10 tỷ nữa sẽ là 20 tỷ để một bộ SGK hoàn chỉnh ra đời. Và nếu có 4 bộ SGK như dự kiến của Bộ đi chăng nữa thì cũng mất tổng cộng chưa đến 100 tỷ đồng cho tác giả viết sách.
Ở hạng mục thứ hai là triển khai thực hiện chương trình SGK (gồm các công việc biên soạn tài liệu giáo dục của địa phương, cung cấp tài liệu tập huấn và tài liệu giáo dục của địa phương cho giáo viên, ghi hình bài giảng,…) theo tôi cũng không thể nào lên đến con số 316,8 tỷ đồng. Nếu làm tiết kiệm thì những việc này cũng chỉ đến 100 tỷ là cùng. Số tiền gần 800 tỷ đồng mà Bộ tính toán theo tôi chỉ khoảng 200 tỷ đồng, nhiều lắm thì cũng chỉ 300 tỷ đồng thôi.
Có nhiều ý kiến cho rằng Bộ không nên vừa tham gia viết sách vừa thẩm định sách, bởi như vậy sẽ khiến nhiều tổ chức cá nhân muốn viết sách e ngại không cạnh tranh nổi với Bộ, ý kiến của PGS về vấn đề này như thế nào?
Không ít người đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên viết một bộ SGK nào cả mà giao cho một số nhóm. Bộ chỉ làm việc thẩm định. Nhưng tôi thấy nếu như thế là rất phiêu lưu. Bởi nếu giao cho các cá nhân hoặc nhóm nào đó viết nhưng đến ngày người ta bảo viết chưa xong thì sẽ bị chậm tiến độ và chuyện đấy là hoàn toàn có thể xảy ra. Bộ đảm nhận một bộ SGK thì chắc chắn ít nhất sẽ có một bộ SGK đúng thời hạn.
Tuy nhiên, về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo viết một bộ SGK và đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác thì tôi cho rằng điều này là không khả thi bởi rất khó có những nhóm có thể viết toàn bộ tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 12.
Không nên yêu cầu những bộ SGK của các cá nhân, nhóm phải có ngay lập tức. Ban đầu chỉ có 1 bộ SGK của Bộ, sau khi đưa ra nếu thấy trong bộ SGK đó có những phần này phần kia không ổn thì người ta mới bắt đầu viết lại để sửa chữa một cuốn (phần) nào đấy trong đó thôi. Nếu hay hơn thì chúng ta nên thừa nhận. Những bộ SGK khác không nên đòi hỏi ngay mà chỉ nên có trong vòng 1, 2 năm sau khi bộ SGK của Bộ được đưa ra.
Theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2018 sẽ bắt đầu áp dụng SGK mới vào chương trình học, PGS có nghĩ rằng thời gian như vậy có quá gấp gáp hay không?
Tôi sợ rằng sẽ không kịp, không thể kịp theo tiến độ đó được. Đến thời điểm này chương trình vẫn chưa có gì, khung “xương” vẫn chưa hề có gì thì làm sao có thể kịp được.
Để viết một SGK hoàn chỉnh sau khi có khung chương trình rồi sẽ mất từ nửa năm đến một năm. Nhưng để xây dựng một khung chương trình hoàn thiện sẽ cần rất nhiều thời gian. Thời gian để thiết kế chương trình, thời gian để thẩm định và lấy ý kiến góp ý, sau đó là đến thời gian chỉnh sửa. Quy trình này tôi nghĩ sẽ phải lặp lại vài lần mới có thể cho ra đời một chương trình hoàn thiện được. Vì thế sau 3 năm không thể áp dụng ngay được.
Theo PGS việc thay đổi SGK nên diễn ra đồng bộ hay làm theo kiểu “cuốn chiếu” như những lần thay đổi trước?
Thay sách thì nên thay đồng loạt từ cấp 1 đến hết cấp 3. Chứ không có kiểu học sinh lớp 1 học sách mới rồi nhưng học sinh lớp 2 vẫn học sách cũ. Như vậy sẽ mất 12 năm mới thay xong sách và năm nào cũng phải có chỉnh sửa. Thay đồng loạt rồi chỉnh sửa 1 lần luôn. Chương trình mới và chương trình cũ khác nhau.
Bây giờ kiến thức học sẽ giảm đi nên không sợ học lớp mới đã học mà lớp cũ chưa học đến, và nếu có chuyện ấy xảy ra thì sẽ điều chỉnh ngay được. Làm như thế tiến độ thay sách sẽ rất nhanh.
-----------------------------------------------------------------------------------

Final Fantasy II

About Final Fantasy II

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :