Đến hẹn lại lên, năm nào Bộ GD&ĐT cũng tổ chức
đoàn thanh, kiểm tra tình trạng lạm thu, lạm chi đầu năm học ở các địa
phương. Nhưng rồi sai phạm vẫn xảy ra, chủ yếu tại các trường ở những
thành phố lớn.
Lạm thu, chi hầu như không có ở các trường khó khăn, vùng sâu vùng xa. Ảnh: VGP/Nguyệt Hà |
Chương trình thanh tra của Bộ GD&ĐT có nội dung kiểm tra các khoản
thu đầu năm trong các cơ sở giáo dục. Sau đó sẽ có kết luận, chỉ đạo
trực tiếp yêu cầu địa phương chấn chỉnh nếu phát hiện sai phạm. Ngoài
văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn kiểm tra, yêu cầu đầu tiên của Bộ là các
địa phương trước tiên phải bố trí đủ ngân sách cho giáo dục. Ngoài ra
Nhà nước cũng chi tiền cho chương trình kiên cố hóa trường lớp, tăng
cường cơ sở vật chất.
Thực trạng
Ông Bùi Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Kế
hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, một số tỉnh, thành phố lớn có
nhiều dấu hiệu tích cực trong việc chấn chỉnh lạm thu, lạm chi như Thanh
Hóa, TPHCM, Hà Nội... Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy tình trạng lạm
thu vẫn đang là nỗi bức xúc của các bậc phụ huynh tại các địa phương mà
Bộ kết luận là “có tiến bộ” trên.
Nhiều trường khi bị phát hiện lạm thu
thường đưa ra lý do để biện hộ, như kinh phí Nhà nước cấp eo hẹp không
đủ chi tiêu nên phải huy động nguồn xã hội hóa và dựa vào các khoản đóng
góp tự nguyện của phụ huynh.
Đó là câu chuyện của Trường mầm non Sơn Ca (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, HN).
Chị Mai Hoa (có con học lớp C2 trường này) cho biết, năm trước, trường kêu gọi xã hội hóa máy tính, năm nay lại kêu gọi xã hội hóa điều hòa, ti vi. “Tôi không hiểu các cháu 3 tuổi thì sử dụng máy vi tính vào việc gì”, chị Hoa bức xúc. Nhà trường đưa ra lí do là trường mới xây dựng nên trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học còn thiếu. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách không đủ chi nên phải huy động xã hội hóa.
Chị Mai Hoa (có con học lớp C2 trường này) cho biết, năm trước, trường kêu gọi xã hội hóa máy tính, năm nay lại kêu gọi xã hội hóa điều hòa, ti vi. “Tôi không hiểu các cháu 3 tuổi thì sử dụng máy vi tính vào việc gì”, chị Hoa bức xúc. Nhà trường đưa ra lí do là trường mới xây dựng nên trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học còn thiếu. Trong khi đó, nguồn kinh phí từ ngân sách không đủ chi nên phải huy động xã hội hóa.
Khẳng định chuyện lạm thu không liên
quan đến thiếu hụt kinh phí, ông Quang cho hay: “Đối với tất cả các cấp
học, ngân sách bố trí là do trách nhiệm của địa phương. Nguyên tắc phân
bổ ngân sách theo dân số, theo độ tuổi. Ở mỗi địa phương có sự điều
chỉnh khi bố trí ngân sách, nhưng vẫn phải đảm bảo tối đa 80% chi thường
xuyên để chi trả lương và các khoản chi có tính chất lương, còn lại 20%
chi thường xuyên cho công tác giảng dạy, học tập”.
Tuy nhiên, nhiều cơ sở giáo dục không
đảm bảo được cơ cấu quy định. Đa số 90% chi cho lương nên đã thiếu hụt
cho khoản chi học tập và công tác quản lý nhà trường. Tuy nhiên, dựa vào
lý do đó để thu của học sinh là không được. Nguyên tắc là các địa
phương phải thực hiện đủ, đúng tiêu chuẩn của Chính phủ. Không phải cứ
thế là bắt học sinh đóng góp, ông Quang nhấn mạnh.
Như vậy, lý do các trường vi phạm đưa ra
biện hộ cho việc lạm thu, lạm chi của mình là do thiếu hụt ngân sách là
không đúng. Bởi nghịch lý là, tình trạng lạm thu lại xảy ra chủ yếu ở
các trường "giàu" tại các thành phố lớn dân cư có mức sống và thu nhập
cao. Trong khi đó, tình trạng lạm thu đầu năm ở các trường nông thôn hầu
như không có.
Khi muốn “tăng thêm nguồn thu” các
trường không thể đứng ra hô hào mà thường là thông qua Ban phụ huynh của
lớp, trường, bằng các khoản đóng góp dưới dạng tự nguyện, xã hội hóa để
hợp thức hóa nguồn thu trái phép.
Cần xem xét lại hoạt động của Ban đại điện phụ huynh
Gần đây có nhiều người đề nghị nên xóa
bỏ các Ban phụ huynh vì cho rằng hầu như tất cả các trường đều dùng
"bình phong" Hội Cha mẹ học sinh để hợp thức hóa tình trạng lạm thu của
mình.
Phụ huynh Hà Hoa (TPHCM) cho rằng, “Đi
họp phụ huynh loanh quanh rồi lại đến khâu đóng các khoản tiền thỏa
thuận. Mà hình như Ban cha mẹ học sinh chỉ là thay mặt nhà trường thu
tiền thỏa thuận thôi chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì.”
Từ địa chỉ email maila**@gmail.com, chị
Mai Lan Nguyễn bức xúc: “Hội Cha mẹ học sinh làm theo chỉ đạo của nhà
trường, đáng lý phải bảo vệ quyền lợi của phụ huynh thì lại bảo vệ nhà
trường và áp đặt luôn các khoản thu chi chứ không bàn bạc dân chủ gì
cả...”.
Chị Lê Thị Hồng Nguyên có con học Trường
Tiểu học Tràng An cho biết, đây là trường ở trung tâm thành phố nên hầu
hết các phụ huynh rất có điều kiện. Do đó họ hay đưa ra những đề xuất
như tổ chức sinh nhật, Giáng sinh, Tết Trung thu cho các con thật hoành
tráng, đi dã ngoại ở những nơi đắt tiền tốn kém… Rất ít người dám đứng
dậy phản ứng những khoản chi vô lý do Ban phụ huynh đề xuất. “Nếu không
“nghiến răng" đóng thì con mình sẽ bị thiệt thòi, không chấp nhận được
thì phải chuyển lớp”, chị Nguyên cho hay.
Có một thực tế là đa phần những vị
Trưởng Ban phụ huynh thường là những người có điều kiện kinh tế và vị
trí trong xã hội. Họ thừa hiểu càng nhiệt tình kêu gọi đóng góp cho nhà
trường thì con mình càng được ưu ái nhiều hơn...
Quy định về quản lý chi-thu nguồn ngân
sách Nhà nước đã có. Song có một dòng tiền khác thậm chí còn lớn hơn rất
nhiều chưa hề được kiểm soát, quản lý. Đó là dòng tiền đóng góp tự
nguyện, những khoản tiền "núp" dưới bóng xã hội hóa được kêu gọi, thu
chi bởi những Ban phụ huynh của lớp, của trường.
-----------------------------------------------------------------------------------